Người cao tuổi phát triển kinh tế

Người cao tuổi phát triển kinh tế
21 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Văn Tảo (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn
Thu nhập cao
Tại xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy), không ai là không biết đến câu chuyện làm giàu của ông Lê Văn Tảo. Vừa là NCT, lại là cựu chiến binh, thế nhưng nhờ nghị lực của mình, ông Tảo đã vượt qua những khó khăn do thương tật, gây dựng nên cơ ngơi khang trang. Ông cho biết: “Khi làm kinh tế, tôi vừa cố gắng học hỏi, sau đó vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Ngoài tận dụng lợi thế vùng đất gò đồi để trồng rừng, tôi còn làm dịch vụ thu mua gỗ rừng trồng và thử nghiệm trồng các loại cây mới”.
Trải qua nhiều gian nan, đến nay ông Tảo đã có nguồn lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ hơn 50ha rừng trồng và hai trạm thu mua gỗ. Ngoài ra ông còn trồng bưởi da xanh, thanh trà và mạnh dạn thử nghiệm thêm cây mắc ca, cây cao su, cây bướm bạc dược liệu. Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, ông còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thời vụ và đẩy mạnh hoạt động thu mua gỗ rừng trồng, góp phần thúc đẩy hoạt động trồng rừng tại địa phương.
Khác với mô hình trồng rừng phát triển kinh tế của ông Tảo, ông Nguyễn Cho lại tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ từ các đồng ruộng tại quê nhà Quảng Phú (Quảng Điền) để trồng nấm.
Ông Cho chia sẻ: “Sau nhiều năm làm vườn, tôi nhận ra mỗi vụ lúa, rơm rạ sau khi cắt hái xong bị đốt bỏ vừa ít hiệu quả, lại gây ô nhiễm môi trường. Thế là tôi học cách làm nấm sò để tận dụng nguyên liệu đầu vào ngay chính nơi mình sinh sống”.
Với cách nghĩ và cách làm hiệu quả, diện tích nhà nấm của ông Cho cứ tăng dần lên. Đầu năm 2021, ông lại tiếp tục mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và trồng thành công nấm linh chi công nghệ cao. Đến nay, nhà trồng nấm sò và nấm linh chi của ông có diện tích hơn 1.200m2. Với giá nấm sò dao động từ 25 - 40 nghìn đồng/kg, nấm linh chi xấp xỉ 700 nghìn đồng/kg, nghề trồng nấm mang lại cho ông Cho nguồn thu nhập ổn định.
Nhân rộng
Đồng hành cùng mô hình trồng nấm của ông Cho nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Tấn, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Quảng Điền cho biết: “Mô hình trồng nấm của ông Nguyễn Cho là một trong những mô hình đi đầu cho phong trào NCT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện. Đặc biệt, đây còn là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vừa là xu thế nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường, vừa là hướng phát triển kinh tế bền vững”.
Theo ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, nhiều năm nay, NCT trên địa bàn đã thực hiện tốt các phong trào thi đua do các cấp Hội NCT phát động như phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi… Với bản lĩnh và nghị lực của NCT trên địa bàn tỉnh, chỉ riêng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện hàng trăm hội viên NCT là gương phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Lễ cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 700 hội viên NCT đang là chủ trang trại, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản, trồng rừng… với doanh thu cao. Ngoài ra, có đến trên 80% NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất với đủ các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ”.
Để đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình NCT làm kinh tế giỏi, các cấp Hội NCT đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều ban, ngành liên quan để kịp thời phát hiện, đồng hành cùng những mô hình kinh tế. Từ đó, tạo động lực và hỗ trợ NCT khai thác có hiệu quả tiềm năng về nguyên, vật liệu, đất đai, nguồn nhân lực lao động tại mỗi địa phương.
Bài, ảnh: MAI HUẾ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/doi-song/nguoi-cao-tuoi-phat-trien-kinh-te-148641.html