Người cao tuổi, trẻ em, người nội trợ trước những cạm bẫy lừa đảo tinh vi

Người cao tuổi, trẻ em, người nội trợ trước những cạm bẫy lừa đảo tinh vi
9 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, dù đã được báo chí, truyền thông và cơ quan chức năng cảnh báo liên tục, những vẫn có nhiều người cao tuổi trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo thông qua nhiều hình thức như: nhận quà khuyến mãi, tặng voucher, mã trúng thưởng, tri ân khách hàng…
Gần đây, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an TP.HCM đã điều tra làm rõ, triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp với hàng trăm đối tượng, sử dụng công nghệ cao, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn bị hại trên cả nước (chủ yếu là người già, trên 50 tuổi, người ở nhà nội trợ), gây bức xúc lớn trong quần chúng Nhân dân, do Trần Quang Đạo (SN 1992, trú tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (cũ), TP.HCM, có 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản) cầm đầu, hoạt động tại nhiều địa điểm tại TP.HCM.
Đối tượng Trần Quang Đạo tại cơ quan Công an
Lực lượng Công an đã tiến hành khám xét đồng loạt nhiều địa điểm, trong đó có trụ sở của 4 công ty do Trần Quang Đạo nhờ người thân thành lập, đứng tên tại TP.HCM gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ressun; Công ty Cửa hàng Tiktok Shop Resshose; Công ty TNHH Rees Mark; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lesson và các kho hàng, phát hiện 218 đối tượng có liên quan (trong đó 149 đối tượng là nữ giới), gần 40 đối tượng giữ các vai trò là Trưởng phòng, Quản lý, Tổ trưởng dưới sự điều hành của Trần Quang Đạo để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người già, thiếu thông tin, không am hiểu về công nghệ, yếu thế, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp và cần được xã hội quan tâm, bảo vệ; với thủ đoạn tặng quà các loại thực phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khuyến mãi các sản phẩm gia dụng…
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu tại các công ty của nhóm đối tượng
Cơ quan chức năng đã thu giữ 65 laptop, 21 máy tính, 301 điện thoại để bàn, trên 220 điện thoại di động, cùng nhiều giấy tờ, sổ sách, tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan.
Qua thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó chủ yếu là người già, thu nhập thấp, phải phụ thuộc vào lương hưu, tiền tiết kiệm, nguồn trợ cấp của gia đình, cần hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe nhưng thiếu thông tin thị trường, sản phẩm, kiến thức công nghệ. Chỉ tính riêng trong hơn 100 ngày gần đây, các đối tượng đã chiếm đoạt của hơn 10.000 nạn nhân với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng.
Có thể nhận thấy, dù đã được báo chí, truyền thông và lực lượng chức năng cảnh báo, những vẫn có rất nhiều người cao tuổi, người nội trợ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo thông qua nhiều hình thức như: nhận quà khuyến mãi, tặng voucher, mã trúng thưởng, tri ân khách hàng…
Vì sao người già lại trở thành “con mồi béo bở” của tội phạm và dễ dàng “sập bẫy” chỉ bằng những đòn tâm lý tưởng như đơn giản nhưng vô cùng tinh vi của các đối tượng lừa đảo?
Về vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho biết có một số nguyên nhân cơ bản như: Đầu tiên, người già dễ bị lừa vì suy nghĩ chậm hơn. Tuổi tác làm cho trí nhớ, khả năng phân tích và đánh giá của con người không còn nhạy như thời trẻ. Nhiều cô bác tiếp nhận thông tin chậm hơn, khó phân biệt thật – giả, đặc biệt khi bị dồn dập, hối thúc. Kẻ lừa đảo biết rõ điều đó. Họ cố tình tạo áp lực – như: “phải chuyển tiền ngay”, “nếu không sẽ bị Công an xử lý”, hoặc “đây là cơ hội có một không hai”… Các đối tượng không cho người già đủ thời gian để suy nghĩ hay tham khảo ý kiến của người thân, con cháu. Chỉ cần một chút hoang mang, một cuộc điện thoại, một lời hù dọa là các đối tượng đã chiếm đoạt được tiền.
Công an khám xét trụ sở công ty trong đường dây lừa đảo người già quy mô lớn
Thứ hai, các đối tượng lừa đảo đánh vào cảm xúc của người già: sợ hãi, hy vọng, thương yêu. Kẻ lừa đảo rất giỏi “dẫn dụ”, “thao túng tâm lý”. Họ đóng giả Công an gọi điện báo rằng người thân mình đang phạm tội, nhiều người lớn tuổi sẽ sợ hãi, không kịp hỏi gì mà cứ vậy làm theo. Có trường hợp, đối tượng thông báo rằng thân nhân, con, cháu đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp... Trong lúc hoang mang, lo sợ, người già thường rất lo lắng mà quên mất việc phải kiểm tra lại thông tin. Từ đó mà bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, kẻ lừa đảo tạo lòng tin, thao túng tâm lý tình cảm, bằng cách tỏ ra thân thiết, quan tâm, thậm chí các đối tượng bỏ ra khoảng thời gian dài để tạo dựng lòng tin, xây dựng tình cảm, “lấy lòng” người già, người lớn tuổi. Người già thường cô đơn và ít cập nhật thông tin mới nên dễ bị kẻ lừa đảo thao túng tâm lý. Nhiều người cao tuổi sống một mình, ít được trò chuyện, ít dùng mạng xã hội nên không biết đến các chiêu trò lừa đảo. Với tâm lý đó, khi có người quan tâm, hỏi han, nhắn tin mỗi ngày – dù chỉ là qua điện thoại – họ dễ “mở lòng”, dễ tin tưởng, chia sẻ. Kẻ gian lợi dụng chính sự cô đơn đó để lấy lòng tin và dần dần điều khiển hành vi.
Một nguyên nhân đáng kể nữa, người già thường có tâm lý “muốn tự lo, không phiền con cháu” của người già. Đánh vào điểm yếu đó, đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng dụ dỗ người già, người cao tuổi làm theo lời chúng để có được nguồn thu nhập…
Cơ quan chức năng một lần nữa phát đi cảnh báo rằng: Tất cả chúng ta cần cảnh giác trước các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng, đặc biệt là người già và trẻ em – những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, những người thân trong gia đình cũng cần có sự quan tâm, chia sẻ, gần gũi, không nên để người già, người cao tuổi phải “một mình” trong thế giới riêng của họ. Thay vào đó, trò chuyện, tâm sự và phổ biến những chiêu thức, thủ đoạn, giúp người già cảnh giác hơn trước những “miếng mồi béo bở” nhưng kỳ thực núp sau đó là những “cái bẫy lừa đảo”.
Mai Anh
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/nguoi-gia-nguoi-cao-tuoi-truoc-nhung-cam-bay-lua-dao-tinh-vi_180042.html