Trong cuộc sống đôi khi có những chuyện rất kỳ lạ và khó giải thích.
Mới đây, một người đàn ông ở Singapore đã gặp phải một chuyện lạ lùng liên quan đến con gái nhỏ của mình.
Anh này kể, ông ngoại của anh (tức là cha ruột của mẹ anh) đã mất ở tuổi 26, khi đó bà ngoại anh đang mang thai mẹ anh. Vì vậy, rõ ràng là anh chưa bao giờ gặp ông mà chỉ nhìn thấy ông qua ảnh.
Giờ anh đã có vợ và con gái 7 tuổi. Một hôm, anh nghe thấy tiếng con gái trò chuyện trong phòng. Anh ghé vào xem thì thấy con ngồi trên giường, nói chuyện một mình.
Việc trẻ con thỉnh thoảng nói chuyện một mình cũng không có gì lạ, đây là hành vi bình thường trong quá trình phát triển của nhiều trẻ. Nhưng vài hôm sau, cô bé lại bảo với bố: “David nói rất tự hào về bố đấy!”.
Việc trẻ em có "người bạn tưởng tượng", hoặc coi thú bông, đồ chơi là bạn nói chung là bình thường. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Không thể nghĩ ra con gái quen ai tên là David, nên người cha này mới hỏi David là ai và trông thế nào. Cô bé trả lời: “Trông giống bố mà. David là cụ của con mà”.
Người cha nghĩ lại thì thấy họ hàng chẳng có ai trông giống mình. Cha ruột của anh thì không sống cùng từ lâu, và con gái anh cũng chưa bao giờ gặp ông nội.
Bẵng đi vài tháng, mẹ của anh xem một quyển album ảnh và con gái anh xem cùng. Bỗng nhiên, đến một tấm ảnh ông ngoại của anh, cô con gái thốt lên: “Bạn của con đây này, con vẫn hay nói chuyện với cụ đấy!”.
Người cha sững người vì lo lắng nên mới chia sẻ câu chuyện này và sau đó, câu chuyện được đăng trên trang SGU của Singapore. Anh còn kể, con gái anh dường như còn biết cả chuyện cụ đã mất vì tai nạn ô tô, mặc dù con dùng những từ của trẻ con, không chính xác, nhưng anh vẫn có thể hiểu được như vậy.
Bé gái nhận ra "người bạn tưởng tượng" của mình trong album ảnh cũ. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Câu chuyện của người cha này nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng ở Singapore. Một số người tin rằng có những đứa trẻ dường như có khả năng “kết nối” siêu nhiên gì đó, mà dù sao người cụ vẫn dõi theo gia đình cũng là việc tốt. Nhưng đa số netizen thì cho rằng đây không phải là chuyện siêu nhiên, mà có cách giải thích hợp lý và thực tế hơn, là cô bé đã từng được xem ảnh của cụ rồi tự tưởng tượng ra là mình “kết bạn” - đây là điều mà trẻ con cũng hay làm.
Còn việc người cha nghĩ rằng con gái biết cả về vụ tai nạn của cụ thì có thể đơn giản là cô bé cũng từng nghe người lớn nhắc đến, hoặc cô bé chỉ tình cờ nói gì đó nhưng người cha vì lo lắng nên suy diễn là có liên quan đến cụ mà thôi.
Theo trang thông tin y tế WebMD, các nghiên cứu cho thấy khoảng 65% trẻ nhỏ có “những người bạn tưởng tượng”. Đây được cho là một phần bình thường của tuổi thơ trong khi trẻ em phát triển trí tưởng tượng, và cũng là cách để trẻ luyện tập các kỹ năng xã hội, xử lý các cảm xúc…
Nhưng việc này cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ khi: Trẻ chỉ thích giao tiếp với “bạn tưởng tượng” mà không hoặc sợ giao tiếp với trẻ khác; chỉ thích kể về những trải nghiệm đáng sợ, buồn bã; có hành động tiêu cực mà trẻ nói là do “người bạn tưởng tượng” bảo làm; trẻ sợ “người bạn tưởng tượng”; trẻ hơn 12 tuổi mà vẫn có “bạn tưởng tượng”.
Thục Hân