Một người qua lại thấy lạ nên tò mò hỏi han, tiện tay mua vài tờ vé số giúp ông. Ông nở nụ cười khắc khổ, nhe đôi hàm răng sún từ tốn trả lời:
- Tôi đang nhìn con trai mình! Nó vừa chuyển đến ngôi trường này.
- Ồ, ông thật là người cha tuyệt vời! Nhưng sao ông không nhìn trực tiếp mà lén lút thế kia?
- Tôi… Tôi sợ con trai mình mặc cảm…
Minh họa: TQ.
Người khách nhìn ông, ra vẻ cảm thương hoàn cảnh nên hào phóng mua thêm vé số:
- Để tôi mua hết số vé này cho ông về nghỉ ngơi sớm. Cố lên nhé, đừng nản chí, rồi cậu bé sẽ hiểu được tình thương của ông thôi!
Khách rời đi. Người đàn ông cảm ơn rối rít rồi quay về nhà. Trên đường về, lòng ông nặng trĩu những lo toan, đau đáu. Thật ra, con trai ông mới chuyển về trường ở xã này được một tuần. Cũng như những trường khác, bạn bè trong lớp hay bắt nạt con trai ông. Chúng bạn mỉa mai cậu có cha là người khuyết tật, già nua, nghèo khổ phải đi bán vé số. “Mày là thằng nhà nghèo. Nhìn ba mày kìa, cụt hai chân thế kia làm sao bảo vệ được mày đây?” - Một học sinh từng trêu chọc như thế.
Một hai lần thì không đáng nói. Nhưng câu chuyện ngày một nghiêm trọng hơn khi nó cứ lặp đi lặp lại đến nỗi cậu bé luôn có cảm giác nặng nề khi đi học sớm, giờ ra chơi hay lúc tan học về. Lũ bạn luôn bám theo Hùng - tên cậu bé - dai như đỉa. Sự bực tức dâng trào bên trong lồng ngực Hùng nhưng cậu vẫn cố kiềm chế cảm xúc. Vì nếu phản ứng, chống đối hoặc đánh nhau, cậu sẽ là người thiệt thòi như ở những trường kia. Tất nhiên trong lớp học, vẫn có người cảm thông cho cậu, nhưng học sinh thường hay theo số đông và đứng về phe kẻ mạnh. Im lặng là điều dễ chịu nhất để tránh người khác làm phiền. Quá mệt mỏi, một ngày kia, Hùng nói với cha:
- Cha à, từ hôm nay cha đừng đưa con đến lớp nữa. Con lớn rồi, đạp xe ổn, có thể tự bảo vệ mình. Với lại cha ngồi xe lăn thế này, cũng chỉ đi theo con đến trường thôi chứ có được gì đâu. Sự xuất hiện của cha làm cho bạn bè con khó chịu. Chúng hay chế giễu, trêu chọc khiến con rất xấu hổ, cha có biết không?
Ông Dũng - tên người đàn ông khuyết tật - buồn bã, nhắm nghiền đôi mắt chằng chịt vết chân chim như muốn khóc. Ông hiểu con trai mình đang ở độ tuổi thiếu niên, rất dễ nhạy cảm trước những vấn đề xã hội. Vì không muốn con làm những chuyện dại dột nên ông gật đầu đồng ý. Từ đó, ông không song hành cùng con đến trường nữa. Nhưng không vì vậy mà sự yêu thương con vô bờ bến của ông bị trì hoãn. Ông vẫn lặng lẽ theo sau con, rón rén nhìn con vào lớp, chăm chú xem con đọc sách trong giờ ra chơi. Chỉ cần nhìn con vài phút thôi là ông cảm thấy bình yên, hạnh phúc. Cậu bé ít bạn, nên giờ ra chơi thường mang tập sách đến ghế đá dưới gốc phượng để ôn bài. Ông Dũng nhìn con chăm chú, cười một mình rồi nhủ thầm: “Phải chi mẹ nó còn sống thì nó đã không như vậy!”. Đoạn ông quay xe lăn đi mà nước mắt cứ chực trào ra. Đâu ai hiểu được nỗi đau khổ của người đàn ông xấp xỉ tuổi thất tuần này.
***
Thời kháng chiến chống Mỹ, ông là cậu thiếu niên năng động, ngoan ngoãn. Với trái tim yêu nước đầy nhiệt huyết, cậu thoát ly gia đình vào căn cứ kháng chiến, chỉ mong góp một phần sức lực nhỏ bé trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Ngày ấy, cậu được giao nhiệm vụ làm giao liên. Vốn là chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, nhạy bén, cậu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Trong vòng 3 năm, cậu lập được nhiều thành tích xuất sắc, trở thành binh nhất ở tuổi 17. Nhưng đáng buồn thay, trong một lần dò đường đưa bộ đội sang sông, địch phát hiện ném bom dữ dội khiến cậu ngã quỵ.
Bị thương nặng ở chân, cậu được các đồng đội đưa về quân y. Sau những ngày vật lộn sinh tử với thần chết, cậu đã được các y, bác sĩ cứu sống. Tuy nhiên, đôi chân ấy đã bỏ lại ở chiến trường… Những ngày dưỡng thương thật nghiệt ngã đối với chàng thanh niên tên Dũng. Cậu không buồn vì mình mất đi đôi chân, mà cảm thấy hổ thẹn vì chưa góp được nhiều công lao cho quê hương, cho Tổ quốc. Được đưa về đơn vị an dưỡng, cậu dần phục hồi sức khỏe lẫn tinh thần. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, cậu phục viên về lại quê nhà.
Anh sống trong tình yêu thương của xóm giềng, chính quyền địa phương và những cựu chiến binh tại quê nhà. Dù vậy, không lúc nào Dũng cảm thấy vui. Ba mẹ, ông bà đã hy sinh trong kháng chiến, chỉ còn mỗi mình anh thui thủi một mình trong căn nhà lá. Hằng ngày anh đi bán vé số rồi về nhà, ít tụ tập với mọi người. Bởi anh biết, với thân thể tật nguyền này, nên tránh xa những phức tạp của xã hội càng nhiều càng tốt. Chỉ những khi nhà hàng xóm có đám, tiệc cưới mời hay họp mặt cựu chiến binh, anh mới chung vui cùng mọi người vài ly rượu, kể cho nhau nghe những khắc nghiệt thời chiến tranh.
Cứ tưởng chừng sự cô độc ấy theo anh đến lúc chết nhưng rồi một ngày, anh gặp được cô gái cũng làm nghề bán vé số dạo, hai người đã có tình cảm với nhau. Chị thương anh vì sự chân thật, hiền lành, đặc biệt là ngưỡng mộ về người lính Cụ Hồ anh dũng. Rồi hai người tổ chức một đám cưới nhỏ. Đau đớn thay, ngày chị sinh con, cũng là ngày tử biệt. Chị ra đi, để lại cậu bé đỏ hỏn ngơ ngác trên đôi tay chai sần của anh. Anh khóc hết nước mắt. Từ đấy, anh dành hết tình thương nuôi con khôn lớn.
***
Ráng chiều đỏ ửng bao trùm trên xóm lao động nghèo. Cơn gió chiều mát rượi theo bước xe lăn của ông Dũng vào đến tận ngõ. Ngôi nhà tình nghĩa được Nhà nước trao tặng chỉ có hai cha con sống nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Vừa đi lấy vé số về, ông Dũng vội vàng đặt lên bàn, kiểm tra kỹ một lần nữa, chia thành từ xấp vé nhỏ một cách tỉ mẩn. Dù đã mất đi đôi chân, sự bất tiện luôn hiện hữu nhưng nào có làm khó được ông. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn tự sinh hoạt cá nhân mà không cần đến sự giúp đỡ của con trai mình. Vì con, ông đã bỏ uống rượu và thuốc lá. Một người cha gương mẫu như thế vẫn không làm lay động tình phụ tử trong trái tim Hùng. Xong việc vé số, ông quay sang nấu đồ ăn và ngóng con trai về. Vừa nhắc, cậu bé đã xuất hiện. Hùng ít nói chuyện với cha mình, gương mặt lúc nào cũng buồn bã, nhưng luôn lễ phép:
- Thưa cha, con đi học mới về!
- Con đi rửa tay sạch sẽ rồi cha dọn cơm ăn - ông ân cần bảo con.
Cậu bé “dạ” một tiếng nhẹ rồi ngoan ngoãn đi ra sau nhà rửa tay. Khi bước vào, cậu ngập ngừng nói lí nhí:
- Cha ơi, ngài mai cô giáo họp phụ huynh. Nhưng con đã nói là cha bệnh, không thể tham dự được. Con xin lỗi…
Ông Dũng hiểu được điều đó nên gật đầu. Bữa cơm diễn ra khá căng thẳng khi hai cha con mạnh ai nấy ăn, không nói lời nào.
***
Vẫn như mọi hôm, khi con trai vào lớp học, ông Dũng lấp ló trước cổng nhìn theo dáng con. Bỗng từ xa, ông nghe tiếng ai đó gọi tên mình:
- Dũng, phải Dũng làm giao liên năm xưa không?
Ông Dũng giật mình quay lại, nhìn chăm chăm vào người đàn ông đang gọi tên mình… Ký ức hào hùng xưa hiện về trong trí não….
- Trung? Phải đồng chí Trung hậu cần không?
- Đúng rồi, mình đây! Chao ôi, lâu quá mới gặp lại cậu. Năm đó hay tin cậu bị thương ở chân, mình chưa kịp đến thăm thì đã được cấp trên chuyển công tác nên từ đó mất liên lạc… À, mà thôi chuyện đó hôm nào rảnh anh em mình hẹn nhau cà phê tâm sự. Sao cậu đứng ở đây, bán vé số hả?
- Mình… Mình đứng chờ con trai, lớp nó đang họp phụ huynh.
- Sao cậu không vào tham dự?
Ông Dũng ngập ngừng giây lát rồi lên tiếng:
- Cậu nhìn đi, với bộ dạng này mà vào lớp sẽ làm con mình mất mặt. Mình không muốn làm thằng bé khó xử. Nó đã bị bạn trêu chọc về chuyện này khá nhiều lần rồi.
- Chao ôi! Có chuyện này nữa sao? Nếu mình biết sớm hơn thì điều tồi tệ đã không diễn ra. Đi, đi theo mình vào lớp ngay.
- Cậu… làm gì trong này?
- Mình từng là hiệu trưởng trường này đấy.
- Từng tuổi này mà cậu chưa nghỉ hưu sao?
- Nghỉ rồi. Nhưng hôm nay mình cũng đi họp phụ huynh cho cháu. Thôi không nói nhiều, để mình đẩy xe giúp cậu vào lớp.
Thầy nguyên hiệu trưởng bước vào lớp, xin cô giáo ít phút phát biểu:
- Trước tiên, tôi xin lỗi giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các em học sinh. Tôi là Trung, từng là hiệu trưởng trường này, nay đã về hưu, nhưng vẫn luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của trường. Xin phép mọi người cho tôi 15 phút trình bày ý kiến. Dù có chút xíu bên lề, nhưng rất cần thiết đối với các em học sinh.
Bên dưới vỗ tay, trong khi cô chủ nhiệm ân cần nói:
- Dạ, thầy cứ tự nhiên ạ!
- Hôm nay, tôi muốn giới thiệu một người cho các em học sinh và phụ huynh biết mặt…
Thầy Trung ra hiệu cho ông Dũng đẩy xe lăn vào… Cả căn phòng ồ lên, trong đó có những tiếng xì xầm bên dưới.
- Mọi người im lặng. Đây là cha của em Hùng. Tôi đã nghe về câu chuyện các em học sinh bắt nạt, trêu chọc, xúc phạm em Hùng lẫn cha của em. Về mặt đạo đức, các em đã sai. Về mặt luật pháp, các em đang xúc phạm danh dự của một công dân đấy. Các em có biết, bắt nạt một người là xấu tính không? Bạn bè sao lại không yêu thương nhau, hỗ trợ nhau, đoàn kết nhau để vượt qua những khó khăn trong học tập? 5 điều Bác Hồ dạy các em quên hết rồi sao?
Căn phòng im lặng. Thầy tiếp tục câu chuyện:
- Các em có biết vì sao cha bạn Hùng mất đi đôi chân không? Là bởi, ông ấy đã tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm để ngày hôm nay các em có cơm no, áo ấm, đến trường hạnh phúc. Lẽ ra, các em phải ngưỡng mộ, kính trọng cha của Hùng hơn là chế giễu, đùa cợt. Điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi yêu cầu cô chủ nhiệm và nhà trường cần có những biện pháp xử lý thích đáng đối với những em học sinh bắt nạt bạn bè, không tôn trọng người lớn tuổi. Về phần em Hùng, em đừng mặc cảm, tự ti. Hãy nên tự hào về cha em, người đã chiến đấu vì Tổ quốc. Đôi chân bỏ lại chiến trường năm ấy chính là minh chứng cho sự anh dũng, kiên cường đó.
Thầy Trung vừa dứt lời, cả căn phòng nghẹn ngào. Các bạn học sinh đứng lên khoanh tay xin lỗi ba Hùng. Phụ huynh thì hứa sẽ dạy dỗ lại con cháu mình. Cô chủ nhiệm xin tự kiểm điểm vì không theo dõi sát sao tình hình của lớp. Riêng Hùng, cậu chạy lên ôm chằm lấy cha mình khóc nức nở:
- Cha ơi, cho con xin lỗi!
Truyện ngắn của Đặng Văn Trung