Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu - hồi sức (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) Nguyễn Thị Thắm đo huyết áp cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại khoa. Ảnh: H.Dung
Điều dưỡng Thắm kể, làm việc tại khoa, bà chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng. Có những bệnh nhân, lần đầu được người nhà đưa vào cấp cứu, điều trị nhưng sau đó, người đưa bệnh nhân vào viện là hàng xóm, dân quân, công an.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nhà bỏ rơi người bệnh như: hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, neo người, họ không có đủ tiền và điều kiện để chăm sóc bệnh nhân tâm thần; có gia đình vô tâm, không quan tâm đến người bệnh. Bởi vậy, có những bệnh nhân vô gia cư đến khi qua đời vẫn không có người nhà đến nhận.
Thấu hiểu và muốn chia sẻ phần nào nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh, điều dưỡng Thắm đã tìm nhiều cách để liên hệ với gia đình người bệnh, giúp họ được toại nguyện gặp người thân lần cuối.
“Bệnh nhân tâm thần hầu hết không nhận thức được, trí nhớ kém. Vì vậy, tranh thủ những lúc họ tỉnh táo, tôi động viên, dò hỏi họ về xã, phường nơi họ sinh sống. Sau đó, gọi Tổng đài 1080 để hỏi số điện thoại của công an địa phương, công an khu vực để tìm thân nhân cho bệnh nhân. Có những gia đình khi tôi gọi điện báo tin, đang nói giữa chừng thì họ tắt máy, gọi lần sau không nghe máy nữa. Tôi lại nhắn tin nói có tình, có nghĩa, nói với họ rằng bệnh viện miễn viện phí cho bệnh nhân, gia đình không phải đóng khoản tiền nào; những bệnh nhân qua đời còn được bệnh viện hỗ trợ xe đưa về, thậm chí hỗ trợ hỏa táng nên sau đó, nhiều gia đình đã đến bệnh viện nhận người thân, đưa bệnh nhân về. Sau mỗi lần như thế, tôi thấy rất hạnh phúc và nhẹ lòng” - bà Thắm chia sẻ.
Hạnh Dung