Người con của xã Pà Vầy Sủ

Người con của xã Pà Vầy Sủ
3 giờ trướcBài gốc
Trung tá QNCN Nguyễn Thanh Năm là điển hình tiên tiến ở đơn vị Đoàn KTQP 313. Nhiều năm liên tục, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Trong năm 2024 này, anh Năm liên tiếp nhận rất nhiều tin vui từ đơn vị và gia đình.
Hồi tháng 6, anh vinh dự là điển hình tiên tiến toàn quân, đi dự Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội. Tại đây anh đã nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 8 vừa rồi, anh vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Hôm ấy, lời phát biểu của anh trong buổi lễ khiến tôi nhớ mãi. Anh xúc động nói: “Tôi nghĩ rằng, nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng là biểu tượng của sự nghiệp phấn đấu không ngừng nghỉ”.
Anh Nguyễn Thanh Năm, sinh năm 1971 ở miền quê lúa Quỳnh Phụ, Thái Bình. Anh nhập ngũ từ năm 1989 và đã qua nhiều đơn vị, với các công việc khác nhau. Anh từng theo học Khoa Báo chí truyền thông, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, tôi và anh cùng trong cơ quan Đoàn KTQP 313. Hằng ngày, vào buổi tối, khi công việc vãn hồi, chúng tôi lại có dịp hội tụ bên bàn trà. Ở đấy, chúng tôi có vô số câu chuyện để chia sẻ cùng nhau.
Trung tá QNCN Nguyễn Thanh Năm (người đẩy xe) cùng các lực lượng giúp gia đình anh Giàng Seo Páo, xã Pà Vầy Sủ xóa nhà dột nát năm 2022.
Năm 2022, sau khi về cơ quan nhận công tác ít bữa, tôi được anh Năm lôi đến bàn trà và tuyên bố kết nạp vào “tổ độc thân”. Bởi trong số những cán bộ, nhân viên công tác và ở tại cơ quan của Đoàn, anh Năm là người nhiều tuổi quân, tuổi đời hơn cả. Hai chúng tôi đều có điểm chung là xa nhà. Gia đình anh hiện nay ở tận TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), cách cơ quan hơn 200km. Dịp ít việc thì gần một tháng anh tranh thủ về nhà một lần. Lúc nhiều việc thì anh bám trụ ở đơn vị lâu hơn, có khi 2 tháng mới về.
Sống gần và hay chuyện trò cùng anh, tôi thấy Trung tá QNCN Nguyễn Thanh Năm là người có trình độ, năng lực, thâm niên và kinh nghiệm vận động quần chúng nhân dân bằng cả cái tâm trong sáng. Anh chịu học, biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số nên rất thuận lợi trong công việc. Điều tôi phục nhất ở anh đó là tinh thần vượt khó trong học tập, luôn phấn đấu hết mình vì công việc, vì đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên cương của Tổ quốc. Trong thời gian không dài, anh Năm đã vận động đồng bào trong hai thôn thực hiện được hai mô hình phát triển kinh tế thành công, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống từ 7 đến 8% mỗi năm.
Anh kể, năm 2020, “chân ướt, chân ráo” về Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở Chính trị số 1, anh đã gặp ngay ca khó. Chỉ huy Đội giao cho anh đến thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang kiểm tra dự án nuôi bò sinh sản. Trước đó, bò đã được đưa đến cho dân chăm sóc, nhưng sau một thời gian ngắn quay lại thì nhiều hộ nói: “Bò bị ốm bỏ ăn, chết. Tao mổ rồi!”.
Anh cùng trưởng thôn đi tìm hiểu một số hộ ở các thôn lân cận thấy bò phát triển tốt, đã sinh sản. Thấy lý do không thuyết phục, anh đã cùng trưởng thôn mời những hộ chăn nuôi tốt đến phổ biến kinh nghiệm. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền yêu cầu các hộ dân có bò chết từng bước mua bổ sung vào dự án.
Được chỉ huy Đội tin tưởng, anh Năm tiếp tục xuống thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ vận động nhân dân nhận dự án nuôi dê sinh sản. Thôn này toàn người Mông và trước đó đã có cán bộ đến vận động nhân dân thực hiện một vài dự án nhưng không thành công. Quá trình thâm nhập đời sống của đồng bào, anh thấy bà con còn giữ nhiều tập tục và hủ tục lạc hậu. Dù thiếu thốn nhưng người dân không chủ động nuôi trồng phát triển kinh tế. Việc họ chú trọng nhất là phát triển nương ngô. Bởi chăm sóc ngô thì sẽ có thực phẩm làm mèn mén ăn qua ngày. Ngay cả ông trưởng thôn Ma Lỳ Sán, tên Giàng Seo Sèng cũng từ chối nhận dự án nuôi dê vì ông bảo 5 con ít quá chăm sóc không bõ công, mất việc. Nhỡ nó ốm chết thì lại tay trắng.
Làm thế nào để vận động bà con thực hiện dự án? Bà con không đồng ý, chẳng nhẽ bó tay! Anh trăn trở, rồi một hôm ngỏ ý với Đội trưởng, Trung tá Đỗ Văn Tám muốn sang một thôn có đồng bào Mông đã thực hiện dự án tạm coi là thành công để học hỏi. Về rồi anh cứ suy nghĩ mãi. Cuối cùng anh đưa ra quyết định táo bạo, chọn điểm để xây dựng mô hình sau đó từ từ thuyết phục bà con, rồi nhân rộng cách làm.
Người được lựa chọn là một chiến sĩ mới xuất ngũ ít lâu có tên là Hầu Seo Dính. Anh nói với Dính, đi làm dưới xuôi cũng tốt nhưng sẽ gặp rất nhiều bất lợi, chi phí rất lớn. Nếu ở nhà và chịu khó làm việc sẽ tiện hơn rất nhiều. Vừa có kinh tế vừa gần gũi chăm sóc vợ con.
Dịp may đến khi nhà Hầu Seo Dính tổ chức cưới em gái. Dù Dính chẳng mời nhưng anh Năm vẫn đến và ở nguyên một ngày giúp đỡ như người thân trong gia đình. Sau đám cưới ít lâu thì Dính đồng ý nhận dê về nuôi. Thế là anh Năm có được thành công bước đầu.
Từ thành công ấy, anh Năm lại thuyết phục trưởng thôn Giàng Seo Sèng. Anh bảo, bà con nói, trưởng thôn không nuôi dê, nuôi bò thì họ không làm theo. Sau này, nếu bà con cứ mãi nghèo, mãi đói là do lỗi của trưởng thôn đấy. Bởi bà con nhận nuôi thì ở trên mới có niềm tin để tiếp tục phân bổ các dự án khác. Chịu khó làm ăn, có nhiều nguồn thu thì đời sống kinh tế sẽ khá lên và sẽ thoát nghèo.
Tại buổi họp thôn, bằng cái tâm và vốn tiếng dân tộc đã được học, anh Năm đã thuyết phục được trưởng thôn Giàng Seo Sèng đồng ý nhận dê nuôi. Bà con thấy vậy cũng đồng thuận đăng ký nhận dê về nuôi.
Sau dự án này, anh Năm tiếp tục được giao vận động nhân dân thực hiện nhiều dự án nuôi trâu, bò, dê, lợn sinh sản... Với sự nhiệt thành của anh Năm, đến nay, 20 hộ trong thôn Seo Lử Thận nuôi bò trước đó đã bổ sung và nhân rộng lên gần 40 con. Điều mừng hơn cả là khi nhìn thấy lợi ích rõ ràng, người dân đã không còn lấy lý do bò ốm để làm thịt. Bởi anh Năm thường xuyên kiểm tra và cùng với cán bộ xã trực tiếp tiêm phòng dịch cho bò. Anh nói với bà con, tiêm thuốc rồi, nó khỏe lắm, chống được mọi bệnh dịch.
Cũng từ đây, vào năm 2022, anh Năm gặt hái thêm thành công nữa khi cùng Đội thuyết phục được gia đình ông Sùng Seo Giáo, thôn Khấu Sỉn cải tạo vườn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Hiện nay, gia đình Sùng Seo Giáo đã có 500 cây xoài, 50 cây mận tam hoa phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định từ năm 2023. Sùng Seo Giáo trở thành một điển hình thoát nghèo và là một trong những mô hình có sức lan tỏa để nhân dân trên địa bàn tham quan, học tập làm theo.
Anh Năm là nhân viên Chính trị, Đoàn KTQP 313. Công việc của anh nhìn bề ngoài có vẻ không vất vả nhưng thực tế thì không phải như vậy. Ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên huấn, tuyên truyền các hoạt động của Đoàn; đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, thù địch trên không gian mạng; xây dựng các giáo án, bài giảng điện tử...; anh cũng thường xuyên xuống cơ sở triển khai, kiểm tra dự án cấp giống, cây, con và để chụp ảnh, lấy tin và viết bài. Dù bận việc nhưng vẫn không ngăn cản anh trong công việc học tập suốt đời, nâng cao trình độ chuyên môn và nhất là học tiếng đồng bào để giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn. Anh Năm luôn mày mò, nghiên cứu và cho ra đời những đề tài, sáng kiến hữu ích phục vụ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị như: “Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình truyền thanh nội bộ”; “Bảng kiểm tra ngắm trúng, ngắm chụm súng tiểu liên AK bài 2”; “Mô hình vũ khí phá vật cản FMV-B1”... Đặc biệt, sáng kiến “Thang treo cứu hộ” của anh đã đạt giải B cấp Quân khu.
Ở gần Trung tá QNCN Nguyễn Thanh Năm, tôi và những đồng đội của tôi học tập được tác phong suy nghĩ và làm việc mà nổi trội là tinh thần cống hiến, hy sinh, không ngại khó, ngại khổ. Với anh, làm việc và làm việc liên tục là niềm hạnh phúc lớn lao. Với sự đóng góp công sức của anh Năm, đời sống của bà con vùng biên cương nơi địa đầu Tổ quốc ngày càng được cải thiện. Anh giống như "một chiếc đầu kéo" để nhiều trí thức trẻ tình nguyện về Đoàn KTQP 313 công tác có thêm động lực và nhiệt huyết. Tôi tin, rồi đây đồng bào dân tộc các xã biên giới của Hà Giang sẽ có đời sống kinh tế ngày một khấm khá hơn. Đây chính là gốc rễ để xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục từng đeo bám đồng bào.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC HOAN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-con-cua-xa-pa-vay-su-798974