Đồng chí Nguyễn Chí Công tên thật là Đoàn Văn Dư, bí danh Minh Tiết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (4-1961 - 6-1965), sinh năm 1920, tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho; trú quán tại xã Hội Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Năm 1937, đồng chí sớm tiếp thu tinh thần yêu nước của các thế hệ cha anh đi trước, nên tích cực tham gia phong trào cách mạng địa phương. Tháng 9-1940, dưới ánh sáng của lý tưởng cách mạng, của Đảng và được học tập, rèn luyện, trưởng thành qua các hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Công được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đến tháng 11-1940, đồng chí tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 - một cuộc khởi nghĩa mang đậm tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của nhân dân tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ; lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã được xuất hiện tại đình Long Hưng (xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, đồng chí Nguyễn Chí Công bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.
Sau 5 năm tù đày, tháng 8-1945, đồng chí ra tù và hoạt động cách mạng ở huyện Cái Bè. Từ năm 1946 trở đi, đồng chí lần lượt trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Với phẩm chất kiên trung của người cộng sản, cùng sự lãnh đạo tài năng, dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Công luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI BA
Tháng 6-1958, đồng chí Nguyễn Chí Công giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách binh vận, sau phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4-1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị tại xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), đồng chí Nguyễn Chí Công được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy bầu làm Bí thư và chủ trì hội nghị.
Lúc này, đế quốc Mỹ và tay sai thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam. Trước tình hình mới, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 8, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo nhân dân chuyển sang giai đoạn chiến tranh cách mạng và bước đầu đã có sự chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt…
Từ năm 1976 - 1986, đồng chí Nguyễn Chí Công là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang. Năm 1988, đồng chí nghỉ hưu.
Đồng chí từ trần ngày 9-3-2005. Với những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc…
Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào du kích chiến tranh được phát động rộng rãi khắp các địa phương, quần chúng tham gia làm hầm chông, chống địch càn quét, chống địch lập ấp chiến lược. Thế tiến công và nổi dậy phát triển đều, lực lượng chính trị được tổ chức khá chặt chẽ, bước đầu đã phối hợp tốt với đòn tấn công vũ trang trong chống càn, trong nổi dậy giành quyền và bảo vệ xóm làng.
Tháng 6-1961, trong bối cảnh tình hình phong trào cách mạng có sự chuyển biến nhanh; cùng với hưởng ứng đợt phát động tấn công, nổi dậy trong toàn Khu 8, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị và quyết định đẩy mạnh hoạt động vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh.
Sau hội nghị, phong trào đấu tranh chính trị, tấn công vũ trang tiếp tục phát triển lên một bước mới. Trong năm 1961, có hàng ngàn cuộc đấu tranh diễn ra khắp các địa bàn trong tỉnh, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh đã gây cho địch nhiều lúng túng trong đối phó, góp phần hạn chế phần nào các cuộc hành quân càn quét bắn phá của địch.
Đầu tháng 9-1961, đồng chí Nguyễn Chí Công triệu tập hội nghị tại Hưng Thạnh, huyện Châu Thành. Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng xã, ấp chiến đấu, kết hợp một cách nhuần nhuyễn hơn nữa 3 mặt tấn công, 3 mũi giáp công, quyết tâm đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các cấp ủy ở các huyện và cơ sở phát động thi đua làm cho phong trào tấn công vũ trang, nổi dậy của quần chúng phát triển mạnh trong toàn tỉnh. Các cuộc đánh càn, chặn viện, bao vây đồn bót… diễn ra khắp các xã trong tỉnh.
Cuối năm 1961, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Chí Công tổ chức tổng kết một năm phong trào du kích chiến tranh đã có sự phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện về mọi mặt; từ đó, là cơ sở vững chắc để quân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trong những năm tiếp theo. Đầu năm 1962, địch tăng cường các cuộc càn quét, lập ấp chiến lược… với quy mô lớn.
Lúc này, đồng chí Nguyễn Chí Công chỉ đạo các cấp thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tiếp tục giữ thế tiến công, bố trí Lực lượng vũ trang dựa vào xã, ấp chiến đấu, dựa vào thế chiến tranh nhân dân đánh địch và tổ chức quần chúng tấn công chính trị, binh vận khắp trên 3 vùng ở tất cả các huyện.
Trong năm 1964, dưới sự chỉ đạo kịp thời của đồng chí Nguyễn Chí Công và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quân và dân Mỹ Tho đã lập nhiều thành tích, đánh bại kế hoạch bình định và tái chiếm của địch, giữ vững thế chủ động, liên tục tấn công, đánh vào nhiều vị trí kiên cố, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động đối phó, loại khỏi vòng chiến đấu 10.400 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Tháng 5-1965, đồng chí Nguyễn Chí Công cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Trung ương và sự phân tích tình hình ở địa phương, hội nghị chủ trương: Mở đợt tiến công đồng loạt trên 3 mặt quân sự, chính trị, binh vận, quyết tâm giành thắng lợi trong năm 1965 và chuẩn bị lực lượng đối phó với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Trên cơ sở xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, Tỉnh ủy chọn xã Nhị Bình, xã Long Định, huyện Châu Thành; xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo làm thí điểm, sau đó sẽ phát động rộng rãi ra toàn tỉnh. Trong năm 1965, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên địch, thu gần 500 súng các loại, phá 80 ấp chiến lược, giải phóng cho hàng ngàn người, đưa về quê cũ làm ăn. Qua bước đầu thử thách với chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, lực lượng cách mạng ở một số nơi có tiêu hao nhưng vẫn không ngừng được bổ sung và phát triển.
Do yêu cầu của cách mạng, tháng 6-1965 đồng chí Nguyễn Chí Công chuyển công tác và đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy đưa phong trào cách mạng của tỉnh tiếp tục phát triển.
Mặc dù giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho trong thời gian ngắn (từ tháng 4-1961 đến tháng 6-1965), nhưng đồng chí Nguyễn Chí Công đã cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho tích cực lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh đầy gian khổ để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Hầu hết các cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi với nhiều mức độ khác nhau.
Phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ, lực lượng Dân quân du kích vừa bám ruộng sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Đồng chí Nguyễn Chí Công mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau noi theo để sống và cống hiến vì mục tiêu cao đẹp của Đảng, tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.
LÊ NGUYÊN