Người của hai quê

Người của hai quê
7 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Phước (thứ 2, từ trái sang) là người luôn gắn bó với đại công trình Nam Thạch Hãn -Ảnh: T.L
“Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và tỉnh Bình Trị Thiên thành lập, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh tại miền Trung, ưu tiên phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm vấn đề an ninh lương thực cho Nhân dân. Tôi lúc này được điều động vào công tác tại Ban Thiết kế các công trình thủy lợi tỉnh Bình Trị Thiên.
Chính vị trí công tác này đã tạo nên mối nhân duyên gắn liền tôi với đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, công trình thủy lợi trọng điểm, lớn nhất, đầu tiên của Bộ Thủy lợi và tỉnh Bình Trị Thiên ở miền Nam, bắt đầu khởi công ngày 8/3/1977. Rồi cũng từ đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn mà tỉnh Quảng Trị trở thành quê hương thứ hai của tôi”, ông Phạm Phước khởi đầu câu chuyện, khởi đầu hành trình thăm lại “quê nhà” Quảng Trị.
Tuổi 80 “xưa nay hiếm”, vậy mà ông vẫn thoăn thoắt đi khắp cả một vùng vựa lúa hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (cũ); quần xăn quá gối, tay xách dép lội ruộng ra với bà con nông dân đang thu hoạch lúa vụ đông - xuân. Ông vui vẻ “khoe” với nông dân: “Mình là Phạm Phước, ở Quảng Bình vô. Hồi xưa, mình từng tham gia xây dựng đập thủy lợi Nam Thạch Hãn”. Nghe đến tên Phạm Phước, nhiều người thảng thốt: “Bác Phước là người được xem như tổng công trình sư công trường Nam Thạch Hãn... đúng không?”. Ông cười hồn hậu, xúc động: “Phải, phải... đến chừ mà bà con còn nhớ!”.
“Mỗi cuộc cách mạng đều có những khó khăn và thuận lợi. Việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị mới cũng vậy. Nhưng nếu toàn Đảng, toàn dân hai tỉnh đồng thuận, đặt lợi ích phát triển chung trên hết sẽ thành công. Bài học đó, riêng cá nhân tôi đúc kết qua nhiều vị trí công tác; qua thực tiễn một thời đi xây dựng đại công trình Nam Thạch Hãn”, ông Phạm Phước chia sẻ.
Có một lão nông đến bên ông Phạm Phước, cầm tay ông lắc lắc: “Tui là Nguyễn Hữu Hoạt, không biết thủ trưởng còn nhớ... lính công trường Nam Thạch Hãn đây!”. Qua từng câu chuyện đi xây hồ Thạch Hãn, họ nhận ra nhau. Ông Nguyễn Hữu Hoạt (SN 1948) ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (cũ), nguyên công chức chế độ cũ, sau giải phóng được chính quyền cách mạng vận động tham gia công trường với vai trò Đại đội trưởng, thuộc Sư đoàn Thủy lợi Triệu Hải.
Từ sự giới thiệu của ông Hoạt, ông Phạm Phước lần lượt gặp lại nhiều đồng đội, đồng chí mình như ông Ngô Mọn (SN 1955), kiện tướng gánh đất trên công trường Nam Thạch Hãn; chị Ngô Thị Bích (SN 1958), tham gia đại công trường lúc tròn 19 tuổi, bị thương khi đào đất tại tuyến kênh chính N2 qua địa phận thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng cũ)...
“Tham gia xây dựng đại công trình Nam Thạch Hãn, quân số thời điểm đông nhất khoảng 7,3 vạn người, huy động toàn tỉnh Bình Trị Thiên. Mỗi huyện tổ chức thành một sư đoàn mang chính tên địa phương mình: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Ninh, Bến Hải, Đông Hà, Triệu Hải, Hương Điền, Phú Lộc, Nam Đông, TP. Huế... Nhưng góp công, góp sức nhiều nhất vẫn là Quảng Bình, Quảng Trị. Bà con Triệu Phong, Hải Lăng luôn nhớ đến đồng bào Quảng Bình, nhớ đến bác Phạm Phước”, ông Hoạt bồi hồi.
Đại công trình Nam Thạch Hãn nhìn từ trên cao -Ảnh: N.T.L
Buổi trưa trong một gia đình nông dân ở huyện Triệu Phong, ông Phạm Phước quyết định ở lại ăn cơm trưa với họ. Bữa cơm thuần nông gồm cơm trắng, cá lóc kho tộ, bát canh chua, đĩa rau lang chấm mắm... ông ăn, cảm giác ngon, ấm áp nghĩa tình. Ông bảo với họ: “Mình như được về nhà mình, về quê hương của mình!”.
Tôi hỏi ông Phạm Phước về những điều đọng lại sau chuyến thăm quê hương thứ hai Quảng Trị. Ông trả lời ngắn gọn: “Cảm xúc!”.
Rồi ông giải thích: “Cảm xúc về nghĩa tình giữa hai vùng đất có nhiều nét tương đồng lịch sử; gắn bó, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Cảm xúc về tình cảm trước sau như một của người dân Quảng Trị dành cho bản thân tôi và Nhân dân Quảng Bình một thời “chia lửa” tạo nên đại công trình Nam Thạch Hãn, đem lại “cơm no, áo ấm” cho bà con Quảng Trị vẫn vẹn nguyên giá trị sử dụng cho đến tận bây giờ và cả trong tương lai. Sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình, đoàn kết... chắc chắn sẽ là những “chân giá trị” tạo nên sức mạnh trên con đường hội nhập và phát triển khi hai tỉnh về chung một nhà.
Nhưng cũng không vì cảm xúc để suy nghĩ thiệt hơn sao không là “tỉnh anh”, “tỉnh tôi” mà cần xác định là “tỉnh của chúng ta”, từ đó tạo thành một thể thống nhất trong nhận thức và hành động; trong phương châm lãnh đạo, chỉ đạo; trong vận dụng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có... Từ đó giúp tỉnh Quảng Trị mới sớm bứt phá, hình thành cực tăng trưởng mới ở Bắc Trung Bộ như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm”.
Ngô Thanh Long
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nguoi-cua-hai-que-194706.htm