Người da trắng có hộp sọ lớn nhất?

Người da trắng có hộp sọ lớn nhất?
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều hộp sọ trong bộ sưu tập thuộc về những người sinh ra ở châu Phi nhưng lại chết trong tình trạng nô lệ ở châu Mỹ. Morton đo những hộp sọ này bằng cách nhồi đầy đạn chì (những viên chì tròn, nhỏ) vào khoang sọ, sau đó đổ đạn trở lại vào các ống hình trụ và đo thể tích của chì bằng đơn vị inch khối.
Ông công bố kết quả nghiên cứu, so sánh chúng với hộp sọ lấy được từ các địa điểm khác: ví dụ, ông tuyên bố rằng người da trắng có hộp sọ lớn nhất, trong khi người da đen có hộp sọ nhỏ nhất. Bảng tính toán thể tích trung bình của hộp sọ theo chủng tộc của Morton được coi là tiên phong trong khoa học thời bấy giờ.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Công trình của ông được trích dẫn trong suốt thế kỷ 19 như một nguồn dữ liệu thực tế khách quan chứng minh trí thông minh tương quan giữa các chủng tộc loài người và sự vượt trội về mặt sinh học của chủng tộc Caucasian (người da trắng).
Nghiên cứu này được sử dụng như một công cụ khoa học tại Hoa Kỳ để duy trì tính hợp pháp của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc. Được coi như một nghiên cứu tiên tiến của khoa học thời đó, nó đã được sử dụng để biện minh cho sự áp bức chủng tộc, rất lâu sau khi các nghiên cứu này không còn được trích dẫn nữa.
Nhưng công trình của Morton không phải là bằng chứng khoa học như nó tự nhận. Stephen Jay Gould đã mô tả như sau trong cuốn sách nổi tiếng của ông The Mismeasure of Man (Sự đo lường sai lầm về con người):
Nói tóm lại, và nói thẳng ra, các kết luận của Morton chỉ là một mớ bòng bong được vá víu từ sự gian dối và gian lận tinh vi nhằm mục đích rõ ràng là kiểm soát những niềm tin đã có từ trước. Tuy nhiên – và đây là khía cạnh thú vị nhất trong trường hợp của ông – tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc gian lận một cách có chủ ý...
Mặt khác, sự thịnh hành của việc gian lận vô thức có thể giúp chúng ta khái quát được về bối cảnh xã hội của khoa học. Vì nếu ngay cả các nhà khoa học cũng có thể thật sự tự lừa dối bản thân đến độ như Morton, thì định kiến trước đó có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, ngay cả trong những điều cơ bản như đo xương và tính tổng.
Gould và nhiều nhà nghiên cứu khác sau này đã đo lại hộp sọ và kiểm tra lại bằng chứng của Morton. Morton đã mắc phải những sai lầm và tính toán sai lầm, cũng như bỏ sót các thủ tục, bao gồm việc bỏ qua sự thật cơ bản là những người to lớn thì não bộ cũng lớn hơn.
Ông đã chọn lọc các mẫu vật ủng hộ niềm tin về sự ưu việt của người da trắng và xóa bỏ các mẫu làm sai lệch mức bình quân theo nhóm. Đánh giá đương đại về những hộp sọ tại Bảo tàng Penn không cho thấy bất kỳ khác biệt đáng kể nào giữa các nhóm người - ngay cả khi sử dụng dữ liệu của Morton.
Tuy nhiên, định kiến trước đó - cách nhìn nhận thế giới trước đó - đã định hình những gì Morton tin là khoa học khách quan và trở thành một vòng lặp tự củng cố, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của ông nhiều như chính những hộp sọ chứa đầy chì.
Như Stephen Jay Gould đã lưu ý, phép đo sọ não là “ngành khoa học định lượng hàng đầu về tư tưởng sinh học mang tính quyết định trong thế kỷ 19” và dựa trên “những sai lầm nghiêm trọng” về các giả định cơ bản: rằng kích thước não bộ tương đương với trí thông minh, và rằng mỗi chủng tộc riêng biệt là các loài sinh học khác biệt và trí tuệ và bản chất bẩm sinh của mỗi chủng tộc đó có thể được xếp vào một thang đo.
Cuối cùng, loại khoa học phân biệt chủng tộc này đã bị bác bỏ, nhưng Cornel West lập luận rằng những ẩn dụ, logic và phạm trù mà nó đưa ra đã trở nên phổ biến tới mức không chỉ hỗ trợ cho tư tưởng người da trắng ưu việt mà còn biến nhiều ý đồ chính trị khác về chủng tộc thành hiện thực, trong khi gạt những ý tưởng khác ra ngoài lề.
Kate Crawford/NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/nguoi-da-trang-co-hop-so-lon-nhat-post1509218.html