Người đam mê sưu tầm đồ cổ

Người đam mê sưu tầm đồ cổ
8 giờ trướcBài gốc
Anh Vũ Mạnh Trường sinh ra và lớn lên tại xã Trực Nội (Trực Ninh). Tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ra làm việc, anh Trường từng tham gia phục dựng nhiều công trình văn hóa như Bưu điện Hà Nội, Bưu điện thành phố Nam Định, nhiều thánh đường cổ trong và ngoài tỉnh… Trong quá trình miệt mài với những nét vẽ kỹ thuật, ngắm nhìn từng đường gờ phào, từng mái vòm, từng chi tiết khắc chạm tinh xảo, anh đã “bén duyên” say mê vẻ đẹp của kiến trúc cổ, đặc biệt là những hoa văn linh vật - nơi tập trung những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử. Anh Trường chia sẻ, trong các triều đại phong kiến Việt Nam, hình tượng rồng luôn là biểu tượng của quyền uy và linh thiêng. Mỗi thời kỳ, mỗi vương triều lại có một cách thể hiện rồng khác nhau - từ dáng uốn lượn, nét mặt, đến hoa văn đi kèm. Nhìn vào hình tượng rồng, người ta có thể cảm nhận được tâm thế, tư duy thẩm mỹ và văn hóa đặc trưng của cả một thời đại. Cũng bởi sự say mê ấy, anh được giới sưu tầm cổ vật nhắc đến với tên “Trường rồng”.
Khu trưng bày các hiện vật thời Lý - Trần - Lê của anh Vũ Mạnh Trường.
Năm 2010, anh Trường tham gia vào Trung tâm UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp anh có cơ hội tiếp cận với kiến thức chuyên sâu, bài bản và học hỏi từ những người cùng đam mê. Anh còn rong ruổi khắp các làng nghề truyền thống như Bát Tràng (Hà Nội), Quyết Thành (Hà Nam), Phù Lãng (Bắc Ninh)… để tìm hiểu và sưu tầm; hòa mình vào không khí náo nhiệt của chợ Viềng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) mỗi dịp đầu xuân hay tìm đến từng gia đình lưu giữ cổ vật, kiên nhẫn trò chuyện, thuyết phục để được giao lưu, học hỏi và bổ sung thêm cho bộ sưu tập của mình.
Thành quả sau bao năm tháng tích tụ ấy là hàng trăm hiện vật điêu khắc, thủ công, vẽ họa tiết hình rồng từ thời Lý đến thời Nguyễn; gần 500 hiện vật gốm, sứ quý giá thời Lý, Trần, các dòng gốm Vạn Ninh, Biên Hòa; gần 1.000 bức tranh gỗ sơn son thếp vàng, đục, khảm công phu, nhiều bức có kích thước lớn: 60cmx90cm, 1mx2m… Ngoài ra còn có những bộ sập gụ, tủ chè, trường kỷ bằng gỗ, tre, mây, những chi tiết kiến trúc nhà gỗ cổ được phục dựng kỳ công. Có thể kể đến như: bức trâm thư sơn son thếp vàng thời Nguyễn được đục chạm tỉ mỉ trên nền gỗ vàng tâm, kích thước 57cmx1,07m; chiếc bình gốm sứ Bát Tràng thế kỷ XV-XVI hình lục giác, men tam thái, rạn du hồng, cao 39cm; đôi thạp chân thang Chu Đậu, men trắng ngà, họa tiết dương xỉ men nâu, cao 33cm; tủ trưng bày gỗ gụ thế kỷ XIX, cao 2m1, ngang 1m55, sâu 35cm; đôi bình Vạn Ninh thế kỷ XVIII men xanh lam, tích long quấn thủy, cao 49cm… Ngoài đồ cổ, anh Trường còn có niềm yêu thích đặc biệt với những món đồ kỷ vật chiến tranh: bình tông, hòm đạn, cung nỏ, giáo, mác… Anh còn sở hữu nhiều bộ sưu tập như: hơn 100 đồng hồ quả lắc, đồng hồ côn, đồng hồ con gà thời bao cấp; bộ sưu tập tem với những mẫu tem phát hành nhân dịp kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước, ngày sinh của các danh nhân, vị lãnh tụ, mẫu tem thể hiện truyền thuyết lịch sử, hình ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Bộ sưu tập tiền xu, tiền giấy qua các thời kỳ...
Với anh Vũ Mạnh Trường, đam mê sưu tầm đồ cổ không đơn giản chỉ là việc tích lũy những món đồ quý giá mà còn là hành trình bảo tồn, gìn giữ và truyền tải những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc. Mỗi hiện vật là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, gắn với những câu chuyện lịch sử sống động về những triều đại đã qua, về tinh thần sáng tạo và sự khéo léo của tổ tiên. Từ năm 2010, với mong muốn tạo một không gian giao lưu, chia sẻ cho những người cùng chung đam mê, anh đã mở gian trưng bày cổ vật ngay tại khuôn viên nhà mình trong ngõ 729 Trường Chinh vào các ngày cuối tuần. Không gian ấy nhanh chóng trở thành điểm hẹn quen thuộc của giới sưu tầm, người yêu cổ vật, người dân địa phương và cả du khách từ nhiều nơi đến tham quan. Không gian trưng bày cổ vật của anh còn là nơi để các hội viên, những người yêu thích cổ vật giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau nâng cao hiểu biết về lịch sử, nghệ thuật và giá trị văn hóa cổ đại qua từng hiện vật.
Bên cạnh giao lưu, sưu tầm cổ vật, anh Trường còn quan tâm đến việc hiến tặng cổ vật như một cách tri ân lịch sử, các bậc tiền nhân. Anh đã trao tặng gần 20 hiện vật quý cho một số bảo tàng công lập và tư nhân trong và ngoài tỉnh. Trong chương trình “Chợ Tết Một thoáng Thành Nam” Xuân Ất Tỵ 2025, anh đã hiến tặng một chiếc thạp thời Trần thế kỷ XIII-XIV, đường kính 18cm, cao 18cm; một chiếc bát cổ thời Lê thế kỷ XV-XVI, đường kính 12,5cm, cao 5,8cm. Anh Trường chia sẻ thêm: “Việc hiến tặng cổ vật đóng góp vào việc bảo tồn di sản, giúp các hiện vật quý báu không chỉ được lưu giữ mà còn được chia sẻ rộng rãi hơn, để mọi người đều có thể tiếp cận và học hỏi”.
Anh Trường chia sẻ, điều mong mỏi nhất trong thời gian tới là tiếp tục sửa sang, hoàn thiện để mở không gian trưng bày và chuyên nghiệp hơn, đón tiếp nhiều người cùng đam mê tìm hiểu, sưu tầm, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp nối hành trình gìn giữ hồn dân tộc.
Bài và ảnh: Diệu Linh
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/nguoi-dam-me-suu-tam-do-co-b4a5df8/