Người dân biên giới Long An bị thiệt hại hoa màu sau mưa, lũ

Người dân biên giới Long An bị thiệt hại hoa màu sau mưa, lũ
một giờ trướcBài gốc
Sáng 26-10, ông Võ Thành Trí, Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An, cho biết tình hình mưa lớn xảy ra tại các huyện Đồng Tháp Mười đã khiến nhiều ha lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng.
Video: Người dân biên giới Long An bị thiệt hại hoa màu sau mưa, lũ
Lãnh đạo tỉnh Long An đã có chỉ đạo các sở ngành phối hợp các địa phương chủ động khẩn trương có giải pháp phòng chống và khắc phục ảnh hưởng thiệt hại của lũ kết hợp mưa lớn, triều cường, đặc biệt là trong tình hình dự báo thời tiết sắp tới diễn biến phức tạp.
Trước đó, cơn mưa lớn ngày 22-10 kết hợp với nước lũ và triều cường đã khiến hàng trăm hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái của dân các huyện biên giới Đồng Tháp Mười, Long An chìm trong biển nước. Ước tính, có đến trên 1.100 hecta bị ảnh hưởng trực tiếp, một số bị mất trắng, một số đang xử lý khắc phục.
Trắng tay sau một đêm mưa
Hơn 3 ngày qua, gia đình chị Dương Thị Yến Nhi (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa Long An) phải mất ăn mất ngủ vì 16hecta dưa hấu, bí đỏ đang phát triển rất tốt bỗng dưng bị mưa nhấn chìm.
Được biết, tổng chi phí gia đình chị Nhi đầu tư là hơn 1 tỉ đồng, chỉ gần 10 ngày nữa dưa hấu và bí đỏ sẽ được thu hoạch, hứa hẹn năng suất từ 22-25 tấn/hecta, nhưng chỉ sau 1 đêm lại gần như mất trắng, uớc tính thiệt hại mỗi hecta từ 120-140 triệu đồng.
Chị Nhi nhặt những trái dưa hấu còn lại trên ruộng dưa đã bị ngập úng. Ảnh:HD
Chị Dương Thị Yến Nhi (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: "Từ hôm mưa đến nay gia đình tôi túc trực 24/24 tại đây để bơm nước, kêu máy kobe be bờ ngăn lại nhưng không thể cứu được. Hiện các dây dưa, bí không thể sống được, bị ngập úng hết rồi, coi như mất trắng rồi".
Ngoài gia đình chị Nhi, tại xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, mưa, lũ, triều cường cũng đã làm 97 hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân bị mất trắng. Trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là các hộ trồng dưa hấu vì vốn đầu tư lớn.
Vườn dừa, ổi, chanh... của anh Minh đã bị ngập trong nước. Ảnh:HD
Còn ở xã Bình Hòa Trung, từ một vườn cây xanh tốt, đang cho thu hoạch, thế nhưng chỉ sau vài giờ đã bị mưa, lũ làm vỡ đê bao nội bộ, nước tràn vào, nhấn chìm 1,7 hecta cây ăn trái của anh Đặng Thanh Minh, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa.
Suốt 3 ngày qua, hơn 1.400 gốc ổi, măng cụt, mít, chanh, dừa,… ngập sâu trong nước từ 1,3-1,5m và cần khoảng 7 ngày nữa mới có thể khắc phục. Do thời gian ngập kéo dài nên hầu hết cây ăn trái trong vườn không thể cứu vãn được nữa, anh Minh chỉ hy vọng phục hồi được 600 gốc dừa. Ước tính anh thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Anh Minh đang tìm cách cứu những cây ăn trái của mình để không rơi vào cảnh trắng tay. Ảnh: HD
Anh Minh cho biết: "Mười mấy năm nay mới gặp lại cảnh mưa ngập lụt thế này, cây mưa lớn quá lớn, lại kéo dài. Nước ngập kiểu này coi như xong, giờ chỉ biết cứu được cây dừa thôi, các cây còn lại không thể cứu được nữa".
Hàng trăm ha lúa chìm trong biển nước
Tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, nhiều hộ dân chỉ biết ngậm ngùi nhìn những cây lúa từ 20 ngày đến 55 ngày tuổi ngập trong biển nước, không còn cứu vãn, thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi hecta.
Anh Trần Văn Coi vớt lên những bụi lúa đã bị ngập úng. Ảnh:HD
Theo anh Trần Văn Coi (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường), cơn mưa kéo dài hơn 6 tiếng khiến cho gia đình anh và những hộ dân sinh sống nơi đây bất an. Ruộng lúa đều chìm ngập.
"Tiền giống, phân thuốc cây lúa 20 ngày tuổi cũng hết 12 triệu/hecta, còn đối với lúa từ 40 đến 50 ngày tuổi thì chi phí cao hơn nhiều. Người dân bây giờ chỉ mong được hỗ trợ kinh phí phần nào, khó mà cứu được những hecta lúa dưới 30 ngày tuổi, đa số chúng bị chìm hết rồi" - anh Coi buồn bã nói.
Lúa của chị Vân và nhiều người dân ở xã Thạnh Trị đã bị chìm trong biển nước. Ảnh:HD
Chị Lương Thị Thu Vân ( xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) cho biết: "Hàng trăm hecta lúa từ 20 đến 50 ngày tuổi của gia đình tôi và người dân ở đây đang tìm cách còn cứu vớt mà không biết cứu được không. Giờ không có lúa giống để sạ lại, rất khó khăn với người dân chúng tôi".
Ngoài huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, các địa phương khác như Tân Hưng, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng,… cũng có hơn 15.600 hecta diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng ngập. Trong đó, có một số diện tích gieo sạ ngoài khung thời vụ. Hiện, các địa phương đang khẩn trương gia cố đê bao, sẵn sàng phương tiện hỗ trợ người dân bơm chống ngập.
Những ngày qua, lãnh đạo các địa phương đã đi thực tế kiểm tra tình hình mưa lũ gây ngập úng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Đoàn công tác khảo sát tình hình lũ gây ảnh hưởng sản xuất tại huyện Tân Thạnh. Ảnh: TH
Được biết, nguyên nhân chính gây ngập úng là mưa lớn kéo dài kết hợp lũ và triều cường. Các địa phương và người dân vẫn chủ quan, chưa tập trung gia cố đê bao phòng ngừa theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa tập trung quản lý, kiểm soát các cống thoát ngang. Các địa phương đang khẩn trương gia cố các tuyến đê bao để ứng phó tình hình nước dâng cao.
Trong đêm 21 và 22-10, mưa lớn đã xuất hiện kéo dài trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Long An kết hợp với lũ lên nhanh đã gây ngập tràn các tuyến bờ bao gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Theo số liệu báo cáo nhanh từ các huyện bị ảnh hưởng, diện tích cây trồng bị thiệt hại mất trắng là 702,9 hecta (Mộc Hóa 97,2ha, Kiến Tường 602 hecta, Thạnh Hóa 3,7 hecta). Diện tích bị ngập đang xử lý khắc phục là 682 hecta (Mộc Hóa 50 hecta, Kiến Tường 590 hecta, Tân Thạnh 42 hecta). Diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập là 15.638 hecta.
HUỲNH DU
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/nguoi-dan-bien-gioi-long-an-bi-thiet-hai-hoa-mau-sau-mua-lu-post816599.html