Ngay sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã công khai 1.878 thủ tục hành chính (TTHC); đồng thời cung cấp 786 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.654 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đây là nền tảng quan trọng giúp địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính và phục vụ người dân hiệu quả hơn trong bối cảnh bộ máy mới bắt đầu vận hành.
Công an xã Hưng Hội (tỉnh Cà Mau) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động triển khai hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030. Việc này giúp duy trì liên tục việc cung cấp dịch vụ công ngay cả trong thời điểm chuyển giao về mô hình tổ chức.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau, công tác giải quyết thủ tục hành chính không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ và uy tín của cơ quan công quyền trong mắt nhân dân.
Vì vậy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và công an cấp xã nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ, gây phiền hà cho người dân.
Ghi nhận thực tế tại xã Hưng Hội, đơn vị mới được sắp xếp lại, trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp, công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính vẫn diễn ra trôi chảy, nền nếp.
Bà Sơn Sà Qui (ngụ xã Hưng Hội, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Trước đây, khi đi làm giấy tờ, người dân rất e ngại, vì không biết bắt đầu từ đâu. Còn bây giờ đến công an xã được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn rõ ràng, nhanh chóng".
Tương tự, ông Phạm Thanh Quang (ngụ ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu) chia sẻ: "Khi đến công an xã để làm các thủ tục hành chính, tôi được cán bộ tiếp đón, hướng dẫn tận tình. Các thủ tục được giải quyết nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho người dân chúng tôi khi đi làm các thủ tục hành chính".
Thượng tá Châu Thành Công, Trưởng Công an xã Vĩnh Hậu (tỉnh Cà Mau) cho biết, để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân ngay sau sáp nhập, công an xã đã chủ động bố trí trụ sở, trang thiết bị và phân công lực lượng hợp lý.
"Chúng tôi coi sự hài lòng của người dân là mục tiêu quan trọng nhất trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân", thượng tá Công chia sẻ.
Cùng với lực lượng công an, trong ngày 7/7, 64/64 đoàn xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đồng loạt ra quân hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trong bối cảnh chính quyền hai cấp bắt đầu vận hành.
Tại xã Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), công an xã đã chủ động thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tiếp công dân, đồng thời gửi thông báo đến các tổ chức, đoàn thể, khóm, ấp và đăng tải trên mạng xã hội để người dân nắm rõ.
Bà Tô Hồng Nhanh (ngụ xã Đầm Dơi) chia sẻ: "Trước đó, gần với thời điểm sáp nhập xã, tôi có một số việc liên quan đến các thủ tục hành chính, tôi rất lo ngại và nghĩ thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài. Tuy nhiên, ngay trong ngày 1/7, tôi đã thấy Công an xã thông báo rõ thời gian và địa điểm tiếp công dân, nhờ đó các thủ tục tôi cần đều được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện".
Không chỉ người dân ở xã, cư dân đô thị cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực, anh Nguyễn Văn Tám (ngụ phường Tân Thành) chia sẻ: Trước đây, tôi phải về quê làm thủ tục do hộ khẩu ở huyện, rất mất thời gian đi lại. Nay chỉ cần đến Công an phường gần nhà là có thể làm được, rất nhanh và tiện lợi.
Gia Minh