Theo đó, nắm bắt tâm lý của nhiều phụ huynh sẽ tìm hiểu thông tin về các trại hè hướng nghiệp, nhiều đối tượng giả mạo trang thông tin về hoạt động trại hè để lừa đảo. Đây là chiêu trò không mới nhưng các bậc phụ huynh vẫn bị mất tài sản bởi hình thức này.
Cơ quan chức năng cho hay, phương thức của các đối tượng là sử dụng hình ảnh, giao diện, địa chỉ giống với thông tin của cơ quan chức năng tổ chức trại hè; đăng tải các bài viết với nội dung khuyến mãi hấp dẫn; dẫn dắt phụ huynh vào các nhóm trò chuyện, hướng dẫn "làm nhiệm vụ" để được hưởng ưu đãi giảm giá, tặng quà tài trợ.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh khuyến cáo, người dân cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng và việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai nếu chưa xác định danh tính người nhận tiền; trong trường hợp bị lừa đảo, cần báo ngay cho công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh TP Huế cảnh báo về tình trạng lên mạng vờ xin tiền để quảng cáo dịch vụ lừa đảo.
Trước đó, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh TP Huế đã phát đi cảnh báo về tình trạng giả vờ lên mạng xin tiền để quảng cáo dịch vụ, nhằm mục đích lừa đảo. Theo cảnh báo, thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều bài đăng than thở về hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Dưới các bài viết này, nhiều người bình luận sẵn sàng hỗ trợ và để lại đường dẫn (link) dẫn đến các dịch vụ đầu tư rủi ro hoặc tín dụng đen.
Cụ thể, các đối tượng sẽ tương tác và gửi lời mời kết bạn đến những người có nhu cầu, dụ dỗ họ vay tiền qua các ứng dụng cho vay trái phép hoặc đầu tư lừa đảo. Tiếp đó, các đối tượng liên tục hướng dẫn nạn nhân thực hiện các lệnh giao dịch với tỉ lệ thắng cao, rút tiền dễ dàng.
Khi số tiền nạp vào hệ thống đã nhiều, chúng sẽ khóa tài khoản với lý do rút tiền không hợp lệ và yêu cầu nộp thêm mới rút được tiền trong hệ thống nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phương pháp nhận diện thủ đoạn của các đối tượng này thường thấy như: Chủ động kể về hoàn cảnh gia đình, cá nhân nhằm tạo lòng tin; Liên tục dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán hoặc tiền ảo do chính chúng tạo ra trên không gian mạng…
Nếu nạn nhân tỏ ra do dự, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng cung cấp tài khoản (mà chúng nói là của người thân) để nạn nhân "trải nghiệm thử". Ban đầu, các giao dịch thử này thường cho thấy lợi nhuận cao, khiến nạn nhân dần tin tưởng và chủ động mở tài khoản thật để đầu tư với số tiền lớn hơn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với các nội dung xin tiền online. Đồng thời, tuyệt đối không click hay truy cập đường link lạ, không tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Cần cẩn trọng khi giao dịch tài chính với các đối tượng, hoặc các kênh giao dịch lạ và nếu nghi ngờ hay đã bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
Được biết, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP Huế vừa có chỉ thị tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng.
Theo UBND TP Huế, thời gian qua các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu, nhất là trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại tài sản và tạo tâm lý bất an trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản hạn chế và lòng tham dẫn đến bị lừa đảo.
Lãnh đạo UBND TP Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch về phòng, chống tội phạm, nhất quán quan điểm "phòng ngừa là chính", phương châm "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ" để lãnh đạo, tổ chức thực hiện...