Đây là một hình thức mới được áp dụng thông qua việc ứng dụng công nghệ. Qua đó, nhằm phát huy tối đa tinh thần công khai, dân chủ; huy động được trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Để góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, người dân chỉ cần truy cập ứng dụng VneID ngay trên điện thoại. Ảnh minh họa: H.Thảo
Theo đó, việc lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VneID sẽ được diễn ra từ ngày 6 đến hết 29-5-2025. Để phục vụ lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng, bản cập nhật mới của VNeID trên điện thoại đã bổ sung tiện ích này. Để góp ý kiến về nội dung sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VneID, người dân cần phải có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Sau đó, thực hiện các thao tác đăng nhập ứng dụng VneID và truy cập vào Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Người dân chọn đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều và tiến hành thực hiện nhập nội dung góp ý và gửi thông tin.
Trước đó, ngày 5-5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Kế hoạch nên rõ, đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp là về toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày.
Các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu tiến độ, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, địa phương mình, chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học. Chính quyền địa phương các cấp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6-5-2025 và hoàn thành vào ngày 5-6-2025.
Hồ Thảo