Ngày 2-7, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Đáng chú ý, Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo phù hợp với thay đổi về mức sống, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Các khoản chi phí đặc biệt như giáo dục, y tế có thể được bổ sung vào mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người dân. Biểu thuế cũng được nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng thu gọn, đơn giản hơn, thay vì 7 bậc như hiện hành.
Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và thực hiện theo đúng quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, cáo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
"Tại Nghị quyết số 1326 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình công tác năm 2025, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tại phiên họp diễn ra vào thàng 10 tới" - ông Tuấn cho hay.
Chi phí gia đình luôn trong tình trạng "co kéo"
Trước thông tin Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp tháng 10 tới đây, chị Lê Kim Ngà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hết sức vui mừng và mong chờ đến ngày được nâng mức giảm trừ gia cảnh.
"Hôm qua đọc được tin tôi rất mừng, mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên cộng thêm các chi phí y tế, giáo dục... cũng được giảm trừ sẽ giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản. Tôi cũng có thể suy nghĩ về việc tích tiền mua nhà", chị Ngà nói và bày tỏ hy vọng luật sau khi được thông qua sẽ sớm đi vào thực thi để hỗ trợ cho người dân.
Chia sẻ thêm, chị Ngà cho biết, dù thu nhập 25 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng chị không dành ra được đồng nào, chi phí gia đình luôn trong tình trạng "co kéo".
Bởi theo chị Ngà, mức giảm trừ gia cảnh cho con là 4,4 triệu đồng/tháng nhưng riêng tiền học hằng tháng đã khoảng 6-7 triệu đồng. Chưa kể, chị Ngà và gia đình vẫn đang đi thuê nhà, mỗi tháng là 6 triệu đồng/tháng.
"Ngoài tiền học của con, còn chi phí cho ăn uống, quần áo, thuốc men, xe cộ... nên thu nhập của tôi gần như chỉ đủ trang trải nhu cầu thiết yếu trong gia đình", chi Ngà nói.
Trường hợp của chị Ngà không phải là cá biệt. Hiện nay rất nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, còn cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là không hợp lý. Vì vậy liên tiếp trong hai năm trở lại đây, cử tri nhiều địa phương như TP.HCM, Phú Thọ... đã kiến nghị cần thay đổi vì mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã quá lạc hậu, không còn phù hợp thực tế.
Không chỉ vậy nhiều chuyên gia đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15-18 triệu đồng, thậm chí cao hơn để chia sẻ khó khăn với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Tại Nghị quyết số 191 vừa ban hành, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng luật Thuế TNCN (thay thế) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng. Trong đó Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xét đến đặc thù vùng, miền khi điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong quá trình xây dựng luật Thuế TNCN thay thế luật cũ.
Giảm trừ chi phí giáo dục, y tế... là chính đáng và thiết yếu
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên về thuế Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về thông tin trên, ông Tú khẳng định nút thắt lớn nhất của Luật Thuế TNCN là mức giảm trừ gia cảnh.
Và việc Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp xuất phát từ thực tiễn và nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, trong đó có xét đến việc giảm trừ cho các khoản đặc biệt như giáo dục, y tế... là rất phù hợp.
Phân tích thêm, ông Tú cho rằng quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tương ứng là chưa hợp lý.
Bởi, chi tiêu của người dân, người nộp thuế cá nhân chủ yếu tập trung ở những mặt hàng như ăn ở, học hành, khám chữa bệnh... Trong khi CPI tính giá của vài trăm mặt hàng, dịch vụ khác nhau.
Vì thế nên mới có câu chuyện nhiều gia đình làm công ăn lương, thu nhập hàng tháng cũng không quá thấp nhưng không tích góp được nhiều, bởi chi phí ăn uống, tiền học hành, khám chữa bệnh, thuốc men... cho con cái, gia đình ngày càng đắt đỏ; trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh thì chỉ có thế, "dậm chân tại chỗ".
Về việc Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật Thuế TNCN (thay thế), trong đó nâng mức giảm trừ gia cảnh vào kỳ họp tháng 10 tới đây, ông Tú nhấn mạnh, đây sẽ động viên cho người dân, người nộp thuế cá nhân. Song, ông lưu ý mức giảm trừ gia cảnh và thời điểm áp dụng như thế nào là vấn đề cần bàn.
Theo ông, Bộ Tài chính nên mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới từ kỳ tính thuế của 2025. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cần tính toán đảm bảo chia sẻ khó khăn với người nộp thuế chứ không phải tăng cơ học.
Thông tin mức giảm trừ gia cảnh đang được nghiên cứu điều chỉnh lại và các khoản chi phí đặc biệt như giáo dục, y tế... có thể được bổ sung vào mức giảm trừ gia cảnh đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: MINH TRÚC
Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, hiện nay ngành thuế đã có nhiều bước tiến trong việc quản lý thuế. Do đó, lần sửa đổi này ông hy vọng sẽ có những đổi mới cho phù hợp.
"Các cơ quan nhà nước đang tiếp thu ý kiến người dân và sửa đổi cho phù hợp thực tiễn là rất đáng khích lệ. Việc xem xét giảm trừ những khoản học phí, khám chữa bệnh... bên cạnh khoản giảm trừ cố định sẽ phần nào giúp người dân ổn định cuộc sống, đóng góp cho xã hội", ông Thịnh nói.
Ông cho rằng, chi phí cho cuộc sống hiện nay rất cao, nhất là ở khu vực thành thị. Mức giảm trừ cố định quá lạc hậu không thể nào đủ để trang trải chứ đừng nói đến nâng cao đời sống.
"Để người nộp thuế được trừ tiền học hành, khám chữa bệnh của bản thân và của con cái họ là những nhu cầu chính đáng và thiết yếu. Chỉ khi nào cuộc sống người dân bớt khó khăn thì người ta mới yên tâm lao động, sáng tạo và đóng góp cho ngân sách", ông Thịnh nói.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) thông tin về tiến độ xây dựng, sửa đổi dự án Luật TNCN (thay thế). Video: MINH TRÚC
Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ 2008, đến nay, nhiều quy định được đánh giá là bất cập, cần phải điều chỉnh. Trong đó có mức giảm trừ gia cảnh, hiện mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng, duy trì từ tháng 7-2020. Chưa kể, biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương cũng được cho không còn phù hợp với thực tế.
Tại hồ sơ xây dựng đề nghị về dự thảo luật này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành với 6 nhóm chính sách, trong đó có những chính sách sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.
Đó là hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế; bổ sung các khoản thu nhập được miễn thuế để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực ưu tiên như thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh, chứng chỉ phát thải.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mặt khác, thu gọn các bậc thuế của biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Thuế TNCN đem lại nguồn thu cao thứ 3 trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, thuế TNCN ước đạt 189.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước đó