Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Theo đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức xử phạt, có trường hợp cao hơn từ 20-30 lần so với trước đây tại Nghị định 100/2019.
Điều chỉnh thói quen vì sợ bị phạt
“Việc ban hành Nghị định 168/2024 là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Hiện tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn phổ biến, như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hoặc lái xe khi sử dụng rượu bia.
Mức phạt cao được xem là biện pháp răn đe hiệu quả, góp phần giảm đáng kể các hành vi vi phạm. Tôi từng chủ quan khi chạy xe trên đường vắng, nhưng nghĩ đến việc bị phạt khiến tôi không dám lặp lại. Tuy nhiên, như nhiều người dân đã phản ánh, cơ quan chức năng nên gắn biển phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ phù hợp để giảm ùn tắc, tối ưu hóa thời gian di chuyển.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc chấp hành luật giao thông, kết hợp giữa xử phạt nghiêm minh và giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh” - bạn đọc Nguyên Võ nêu ý kiến.
Dòng xe dừng chờ đèn đỏ ở Ngã tư Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức). Ảnh: HOÀNG GIANG
“Kể từ khi luật mới được ban hành với mức phạt cao hơn, tôi đã thay đổi cách tham gia giao thông của mình. Nói thật thì đầu tiên là vì sợ bị phạt, vì mức phạt cao quá. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì tôi cho rằng những quy định này là cần thiết để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn.
Tôi từng có thói quen phóng nhanh khi đèn vàng sắp chuyển đỏ hoặc đôi khi không bật xi-nhan khi chuyển hướng. Nhưng giờ đây, mỗi lần ngồi sau tay lái, tôi luôn tự nhắc nhở phải tuân thủ chặt chẽ luật lệ, vì chỉ cần một chút chủ quan có thể khiến mình vừa mất tiền, vừa gây nguy hiểm cho người khác” – bạn đọc Thế Lữ nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, bạn đọc Thế Lữ cũng cho rằng hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nhiều biển báo bị che khuất bởi cây cối, hàng rong, chất lượng đèn giao thông cũng chưa đảm bảo, gây khó khăn cho người dân, nhất là người ngoại tỉnh, không rành đường. Do đó, cần phải xử lý những vấn đề về hạ tầng như vậy để người dân nếu vi phạm và bị phạt thì cũng tâm phục khẩu phục.
"Nghe thông tin Sở GTVT TP đã lắp đặt bổ sung các đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải, rẽ trái tại một số giao lộ trên địa bàn, tôi cảm thấy rất vui vì cơ quan chức năng luôn lắng nghe ý kiến của người dân.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, giờ cao điểm luôn là nỗi ám ảnh vì xe cộ dồn ứ khắp nơi. Nếu có thể linh hoạt luồng xe rẽ, đặc biệt ở các giao lộ lớn, tôi tin rằng tình trạng này sẽ cải thiện đáng kể.
Không chỉ một vài giao lộ trung tâm, các tuyến đường cửa ngõ hay khu vực giáp ranh nội – ngoại thành cũng cần được rà soát để triển khai đồng bộ, đảm bảo hiệu quả toàn diện. Quan trọng nhất là đèn tín hiệu phải đồng bộ và dễ hiểu, tránh xung đột giao thông” - bạn đọc Hà Lê nhận định.
Bạn đọc cho rằng mức phạt tăng cao sẽ cải thiện thói quen giao thông và giảm tai nạn. Ảnh: TRẦN MINH.
Hạn chế các hành vi nguy hiểm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông TP.HCM, cho biết Nghị định 168/2024 quy định mức xử phạt tăng gấp nhiều lần đối với các hành vi được xác định là nguy hiểm, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
“Đánh giá chung, tình hình tuân thủ và chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới” – ông Phúc thông tin.
Cũng theo ông, về nguyên tắc, người tham gia giao thông có trách nhiệm tuân thủ và chấp hành tuyệt đối các quy định pháp luật. Nếu vi phạm, việc áp dụng chế tài là điều tất yếu. Do đó, mỗi người dân cần chủ động tuân thủ quy định, bởi mức xử phạt sẽ tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Cụ thể, các hành vi như không tuân thủ biển báo, đèn tín hiệu giao thông là rất nguy hiểm. Nhiều vụ tai nạn xảy ra chỉ vì cố vượt vài giây đèn đỏ hoặc đèn vàng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của những người tham gia giao thông khác.
Ngoài ra, hành vi điều khiển phương tiện trên vỉa hè cũng đáng báo động. Điều này không chỉ phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông, vốn được thiết kế cho người đi bộ, mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
Một số hành vi khác, như đi ngược chiều trên cao tốc, cũng bị xử phạt nặng để răn đe và tăng cường ý thức tuân thủ. Các chế tài nhằm răn đe người vi phạm, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm và bảo vệ an toàn giao thông.
Ông Phúc nhấn mạnh, trách nhiệm của mỗi công dân là phải hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chấp hành. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT.
Tăng mức phạt cần gắn với nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông
Ngay từ khi có hiệu lực áp dụng, Nghị định 168/2024 như một làn sóng tác động vào ý thức của người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật bởi mức phạt tăng khá cao so với trước đây.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe cũng là biện pháp cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn, tránh trường hợp bị trừ hết điểm không được phép lái xe, phải tham gia lớp kiểm tra kiến thức pháp luật mới được phục hồi điểm số.
Tuy vậy, việc tăng mức xử phạt nêu trên cũng cần đi đôi với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống đèn tín hiệu và có cơ chế phù hợp để chứng minh được rõ hành vi vi phạm. Đặc biệt những điều này phải được triển khai và thực hiện đồng bộ trên thực tế.
Trong những ngày qua, các đoạn video clip cho thấy một số trụ đèn tín hiệu bị lỗi dẫn đến ùn tắc giao thông cũng như nguy cơ bị “phạt oan” của người tham gia giao thông. Trong một số trường hợp việc phạt nguội diễn ra khá chậm dẫn đến khi nhận được thông báo vi phạm, trích xuất dữ liệu chứng minh gặp khó khăn.
Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM
THẢO HIỀN - HUỲNH THƠ