Từ 14-16/5, xá lợi Đức Phật được tôn trí tại chùa Quán Sứ để nhân dân đến chiêm bái, từ 7h đến 21h30 hằng ngày. Ảnh: Như Ý
Chờ đợi xuyên đêm
Nhà nghiên cứu Phật giáo Phạm Văn Tuấn giải thích: “Theo kinh điển Phật giáo, xá lợi là những tinh thể cứng, trong suốt như ngọc, hình thành sau khi nhục thân Đức Phật được hỏa táng. Từ hơn 2.500 năm nay, các mảnh xá lợi được tôn thờ và gìn giữ tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar… Đây là lần thứ tư trong lịch sử, xá lợi được đưa ra khỏi Ấn Độ để hành hương quốc tế”.
Tại chùa Quán Sứ, hàng nghìn phật tử, người dân đã xếp hàng từ đêm 13 đến sáng 14/5, kiên nhẫn chờ đợi để được chiêm bái xá lợi Đức Phật. Anh Nguyễn Văn Khải (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Tôi rất kính trọng những giá trị tâm linh như thế này. Xá lợi Phật được coi là tinh túy trong công hạnh của Ngài, được tận mắt thấy cũng là một phúc lành”.
Rất nhiều đoàn xe từ các tỉnh lân cận đưa phật tử về Hà Nội để chiêm bái. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Bắc Giang) cho biết: “Nhà tôi ở Bắc Giang, nghe tin có xá lợi Phật về chùa Quán Sứ nên xin nghỉ làm một ngày để đi. Người đông quá nên cũng có lúc chen lấn, nhưng ai nấy đều cố giữ bình tĩnh, không khí nhìn chung vẫn nghiêm trang”. Bà Nguyễn Thị Quế (Hải Phòng) hồi tưởng chuyến đi chiêm bái xá lợi ở Sri Lanka năm 2015, nhưng chưa từng nghĩ có ngày được đón xá lợi tại chính chùa Quán Sứ.
Trong dòng người kiên nhẫn xếp hàng từ sáng sớm, cũng có không ít người trẻ. Nguyễn Thị Mai (sinh viên Trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ, dù không phải phật tử, nhưng Mai đi cùng mẹ. Đến nơi thấy ai cũng nghiêm túc, tự nhiên cô cũng thấy nhẹ nhàng, không khí rất khác mấy chỗ đông người khác.
“Điều quan trọng hơn là hiểu và thực hành giáo lý của Phật: lòng từ bi, trí tuệ, vô ngã, trong đời sống hằng ngày. Xá lợi là biểu tượng, không phải phép màu. Sự giác ngộ không đến từ việc đứng bên đường chắp tay chiêm bái, mà đến từ việc nhìn lại bản thân, chuyển hóa tâm thức”.
Nhà nghiên cứu Phạm Anh Tuấn
Ý nghĩa của việc chiêm bái xá lợi
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN chia sẻ: “Trong Phật giáo, xá lợi không chỉ là di tích vật chất sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, mà còn là biểu tượng cho công hạnh tu tập và trí tuệ giác ngộ. Người dân đến chiêm bái xá lợi vì họ tin rằng, đó là cơ hội tiếp xúc tâm linh với Đức Phật, hồi hướng công đức, gieo duyên lành trên hành trình tu học. Đây không phải sự mê tín, mà là một nhu cầu chính đáng về tinh thần, hướng con người đến điều thiện”.
Nhìn ở khía cạnh xã hội học, TS Nguyễn Thu Nhạn (Viện Hàn lâm KHXH) lý giải: “Việc hàng vạn người dân Hà Nội đứng dọc các tuyến đường để cung nghinh xá lợi Đức Phật phần nào phản ánh nhu cầu sâu xa về niềm tin, về sự kết nối với những giá trị thiêng liêng trong đời sống hiện đại nhiều bất ổn. Trong thời đại mà niềm tin bị xói mòn bởi các vụ bê bối, giằng co giữa cũ, mới, tôn giáo, thực dụng, việc người dân dâng trọn lòng thành cho một biểu tượng như xá lợi Đức Phật là một chỉ dấu rõ ràng rằng, người ta vẫn cần chỗ dựa tinh thần, vẫn khao khát điều thiện lành và siêu vượt”.
Đây là lần thứ tư trong lịch sử, xá lợi Đức Phật được đưa ra khỏi Ấn Độ để hành hương quốc tế. Ảnh: Như Ý
Tuy vậy, bà Nhạn lưu ý, nghi lễ cung rước xá lợi, với sự huy động của cảnh sát, xe hoa, tổ chức quy mô lớn, cũng phần nào thể hiện xu hướng “nghi lễ hóa” đời sống tín ngưỡng. Trong sự sùng bái đó, có những người đến bằng tâm linh thật sự, nhưng cũng không thiếu người đến vì tò mò, vì đám đông, vì hiệu ứng truyền thông. Giữa tâm linh và trình diễn, ranh giới đôi khi rất mong manh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu việc nghênh đón xá lợi chỉ dừng lại ở hình thức, nó sẽ sớm trôi qua như một lễ hội. Nhưng nếu nó trở thành cơ hội để mỗi người lắng lại, nuôi dưỡng phẩm chất thiện lành và tỉnh thức, thì sự sùng bái ấy mới thật sự mang ý nghĩa.
HẠ ĐAN