Sử dụng điện tiết kiệm là cách giảm chi phí ở nhiều gia đình
Từ người dân…
Gia đình ông Phạm Thanh An ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) trung bình mỗi tháng tiêu tốn khoảng 200.000 đồng tiền điện. Nhà chỉ có 2 người lớn, chủ yếu dùng điện thắp sáng, ti vi, tủ lạnh, máy giặt...
Theo mức giá điện mới tăng 4,8% từ ngày 11/10, mỗi tháng tiền điện của gia đình ông An cũng sẽ tăng thêm một phần, trong khi thu nhập không ổn định. “Với những hộ ở nông thôn như chúng tôi, dù giá điện tăng chỉ vài chục nghìn mỗi tháng cũng tạo thêm áp lực chi tiêu cho gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng điện tiết kiệm để giảm chi phí điện”, ông An cho biết.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở phố Thái Học, phường Sao Đỏ (Chí Linh) cũng băn khoăn khi giá điện tăng. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt của gia đình anh như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh đều là đồ cũ, chưa có công nghệ tiết kiệm điện nên bị tiêu hao nhiều điện. Khi giá điện tăng chắc chắn tiền điện của gia đình anh Sơn cũng sẽ tăng theo.
“Gia đình tôi cũng tính đến phương án thay mới các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm điện để giảm bớt chi phí nhưng trước mắt chưa thể có nhiều tiền để thay đồng loạt. Mùa đông sắp tới, để có nước nóng tắm có lẽ gia đình tôi sẽ tận dụng bếp lò và hạn chế sử dụng bình nóng lạnh”, anh Sơn bày tỏ.
Những người ở trọ như sinh viên, người lao động còn phải chịu mức tiền điện cao hơn. Tại các khu trọ ở TP Hải Dương, trước khi giá điện tăng, các chủ nhà trọ đã tính giá điện từ 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Khi giá điện mới được áp dụng, chắc chắn các chủ trọ sẽ tăng giá theo.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị M. hiện đang thuê trọ ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) với mức thuê 2 triệu đồng/phòng, vệ sinh khép kín, giá điện đang tính 3.500 đồng/kWh. Khi biết tăng giá điện, chị M. rất lo lắng. “Tiền điện tăng sẽ khiến chi phí tiêu dùng hằng tháng của vợ chồng tôi tăng theo. Chưa kể, điện tăng thì các mặt hàng khác cũng có thể sẽ tăng theo khiến cho người lao động thu nhập thấp rất khó khăn. Ngoài cách thắt lưng buộc bụng, hạn chế sử dụng thiết bị tốn điện thì chúng tôi chưa có cách nào khác”, chị M. bày tỏ.
…đến doanh nghiệp
Công ty CP Bao bì Tân Long đầu tư thiết bị mới có công nghệ tiết kiệm điện để giảm chi phí
Để giảm gánh nặng chi phí khi giá điện tăng, các doanh nghiệp cũng tìm cách “thích nghi” từ cân đối vốn đầu tư thiết bị máy móc mới đến chủ động kế hoạch sản xuất.
Công ty CP Bao bì Tân Long ở cụm công nghiệp Gia Lộc I là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa và bìa carton. Mỗi năm, đơn vị xuất ra thị trường 600 tấn nhựa và trên 2,4 triệu thùng bìa. Mặc dù khối lượng công việc lớn, nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ sử dụng khoảng 20 lao động bởi toàn bộ các khâu sản xuất đều được lắp dây chuyền tự động. Cũng vì sử dụng máy móc là chính nên sản lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp này khá lớn. Trung bình mỗi tháng, đơn vị trả tiền điện từ 300 triệu đồng.
Khi giá điện tăng theo mức giá mới, mỗi tháng công ty này sẽ phát sinh thêm gần 15 triệu đồng tiền điện. Giá điện tăng làm chi phí sản xuất tăng thêm, trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm vì cạnh tranh. Để giảm chi phí, ngoài thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện thì doanh nghiệp này cũng không còn lựa chọn nào khác.
Để tiết giảm chi phí, Công ty CP Bao bì Tân Long đã phân công lại ca kíp sản xuất, hướng đến sản xuất vào giờ thấp điểm; tuyên truyền đến các thành viên “Tắt điện khi không sử dụng”...
“Trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã dành hơn 5 tỷ đồng để đầu tư máy móc có công nghệ tiết kiệm điện. Giá điện tăng, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện khác để có thể giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh”, ông Vũ Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty CP Bao bì Tân Long cho biết.
Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) chuyên sản xuất các động cơ điện chịu nhiệt, máy bơm, máy nông nghiệp, động cơ phục vụ sản xuất công nghiệp… Từ đầu năm đến nay, đơn vị cung cấp cho thị trường hơn 130.000 sản phẩm các loại, tương đương cùng kỳ năm trước.
Trung bình 1 tháng Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát chi hết từ 700-800 triệu đồng tiền điện. Với mức giá điện tăng như hiện nay, mỗi tháng tiền điện của công ty sẽ tăng từ 40-50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát cho biết khi giá điện tăng chi phí sản xuất sẽ tăng theo, giá nguyên vật liệu cũng tăng từ 3-5% do các bên cung cấp tăng giá nhưng đơn vị không thể tự ý tăng giá bán sản phẩm do đã ký hợp đồng với đối tác theo mức giá cũ. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phần lợi nhuận để duy trì các đơn hàng.
THANH HOA