Cảnh tượng 'như ngày tận thế' sau mưa lũ kỷ lục ở Tây Ban Nha Những cảnh quay gây sốc thu được bằng drone do Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha công bố cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của lũ lụt ở Valencia.
Các nhân viên cứu hộ ở Tây Ban Nha đang tìm kiếm nạn nhân sau trận lũ lụt chết người, trong khi nhiều câu hỏi được đặt ra về việc tại sao một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới lại không ứng phó thỏa đáng với mưa lũ.
Những trận mưa như trút nước bắt đầu vào đầu tuần đã dẫn đến lũ lụt khiến ít nhất 95 người thiệt mạng. Đây là thảm họa chết chóc nhất ở quốc gia Tây Âu này kể từ năm 1973.
Có báo động khi nước đã tràn vào
Sáng 31/10, cơ quan chức năng vẫn chưa biết chính xác số người mất tích. Vài giờ sau khi lũ quét biến đường phố thành sông, phá hủy nhà cửa và cuốn trôi ôtô, hơn 1.200 người được cho là vẫn bị mắc kẹt trên đường cao tốc, giữa khoảng 5.000 chiếc ôtô bị bỏ lại. Hàng nghìn người khác vẫn không có điện hoặc dịch vụ điện thoại, The Guardian đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles trả lời đài phát thanh Cadena Ser rằng một đơn vị quân đội chuyên về hoạt động cứu hộ sẽ bắt đầu rà soát bùn đất và các mảnh vỡ bằng chó nghiệp vụ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 31/10.
Khi được hỏi liệu số nạn nhân có khả năng tăng lên không, bà cho biết: "Thật không may, chúng tôi không lạc quan". Các đội đã mang theo 50 nhà xác di động.
Dự báo có thêm mưa lớn ở khu vực phía đông Valencia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các khu vực khác trên bờ biển đông bắc.
Một số cư dân đã kêu gọi trợ giúp tìm kiếm những người thân mất tích thông qua mạng xã hội, truyền hình và phát thanh. Leonardo Enrique nói với RTVE rằng gia đình ông đã nói chuyện lần cuối với người con trai 40 tuổi, Leonardo Enrique Rivera, vào lúc 19h hôm 29/10. Con trai ông đã lái một chiếc xe tải giao hàng gần thị trấn công nghiệp Riba-roja và đã gửi tin nhắn nói rằng trời đang mưa rất to.
Xe cộ bị cuốn trôi trong mưa lũ ở Tây Ban Nha.
Trong tin nhắn thứ hai, người con nói rằng xe tải của anh bị ngập nước và bị một chiếc xe khác đâm phải. Kể từ đó, gia đình không thể liên lạc được với anh. "Chúng tôi chưa nghe thấy gì cả", cha anh nói với đài phát thanh.
Trong khi Tây Ban Nha đang vật lộn với hậu quả của thảm họa, nhiều người đặt câu hỏi tại sao phải chờ đến 20h hôm 29/10, cơ quan bảo vệ dân sự mới đưa ra cảnh báo kêu gọi người dân không ra khỏi nhà.
Cơ quan thời tiết quốc gia, Aemet, đã ban hành cảnh báo đỏ cho khu vực Valencia vào sáng 29/10 và tình hình xấu đi trong suốt cả ngày. Nhưng chỉ đến đầu buổi tối, cơ quan khu vực chịu trách nhiệm điều phối các dịch vụ khẩn cấp mới được thành lập.
Đối với nhiều người, thời điểm đó là quá muộn. Cảnh báo được đưa ra khi một số người đã bị mắc kẹt trên đường, giữa dòng nước lũ dữ dội.
Julian Ormeno, 66 tuổi, sống tại vùng ngoại ô Sedavi của thành phố Valencia, cho biết: "Họ báo động khi nước đã tràn vào. Lúc đó đâu cần phải báo cho tôi biết rằng lũ sắp đến nữa".
Một người đàn ông khác nói với trang tin Eldiario.es rằng anh ta đã bị kẹt trong xe với nước ngập đến ngực. "Ngay sau 20h, khi tôi đã ở trong nước ngập đến tận cổ và nuốt bùn trong một giờ, cảnh báo từ cơ quan bảo vệ dân sự mới vang lên", anh nói.
Hệ thống cảnh báo thất bại
Hannah Cloke, giáo sư thủy văn tại Đại học Reading (Anh), cho biết nếu các nhà dự báo thời tiết đưa ra cảnh báo trước, những thảm kịch như vậy "hoàn toàn có thể tránh được" và người dân có thể thoát khỏi dòng nước lũ dâng cao.
Bà cho biết hậu quả tàn khốc này cho thấy hệ thống cảnh báo của Valencia đã thất bại. "Mọi người không biết phải làm gì khi đối mặt với lũ lụt hoặc khi họ nghe thấy cảnh báo".
Liz Stephens, giáo sư về rủi ro và khả năng phục hồi khí hậu tại Đại học Reading, cho biết thêm: "Mọi người đáng ra không phải chết vì những hiện tượng thời tiết có thể được dự báo như thế này, ở những quốc gia có đủ nguồn lực để ứng phó tốt hơn".
"Chúng ta còn một chặng đường dài phải đi để chuẩn bị cho những sự kiện như thế này và thậm chí tệ hơn trong tương lai".
Đường phố biến thành sông vì những trận mưa như trút nước ở Tây Ban Nha.
Lũ lụt hôm 29/10 là trận lũ tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1996. Trận lũ thảm khốc gần đây nhất ở châu Âu xảy ra vào tháng 7/2021, khiến 243 người thiệt mạng ở Đức, Bỉ, Romania, Italy và Áo.
Lượng mưa lớn được cho là do hiện tượng "gota fría" hay "giọt lạnh", xảy ra khi không khí lạnh di chuyển qua vùng nước ấm của Địa Trung Hải. Điều này tạo ra sự bất ổn định của khí quyển, khiến không khí ấm, bão hòa bốc lên nhanh chóng, dẫn đến mưa lớn và giông bão.
Các chuyên gia cho biết sự ấm lên của Địa Trung Hải, làm tăng sự bốc hơi nước, đóng vai trò chính trong việc khiến những trận mưa xối xả trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Hayley Fowler, giáo sư về tác động của biến đổi khí hậu tại Đại học Newcastle (Anh), các sự kiện này "là lời cảnh tỉnh cho thấy khí hậu của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng".
Bà nói thêm rằng "cơ sở hạ tầng của chúng ta không được thiết kế để ứng phó với mức độ lũ lụt như thế này", đồng thời cho biết nhiệt độ nước biển ấm lên "phá kỷ lục" sẽ gây ra những cơn bão mang theo lượng mưa cực lớn ở một địa điểm cụ thể.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở nên dữ dội, kéo dài và xảy ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nhưng trong một số trường hợp, ngay cả những hệ thống cảnh báo được chuẩn bị tốt nhất cũng có thể bị bất ngờ, các nhà phân tích cho biết.
Leslie Mabon, giảng viên cao cấp về hệ thống môi trường tại Đại học Mở (Anh), cho biết thời tiết khắc nghiệt như vậy "có thể vượt quá khả năng ứng phó của các biện pháp phòng thủ và kế hoạch dự phòng hiện có, ngay cả ở một quốc gia tương đối giàu có như Tây Ban Nha". "Trận lũ ở Tây Ban Nha là lời nhắc nhở kịp thời rằng không quốc gia nào có thể tránh khỏi rủi ro do biến đổi khí hậu".
Còn với Linda Speight, giảng viên tại Khoa Địa lý và Môi trường thuộc Đại học Oxford (Anh), việc đưa ra cảnh báo về những cơn giông bão dữ dội là "cực kỳ khó khăn" vì vị trí chính xác của trận mưa lớn nhất thường không được biết trước. "Chúng ta cần khẩn trương cải tạo các thành phố của mình để có khả năng chống chịu lũ lụt tốt hơn", bà nói thêm.
Còn Jess Neumann, phó giáo sư thủy văn tại Đại học Reading, nhận định: "Chúng ta rất coi trọng việc chuẩn bị cho các mối nguy hiểm khác như động đất và sóng thần. Đã đến lúc chúng ta cũng phải làm như vậy để chuẩn bị ứng phó với rủi ro lũ lụt".