Người dân được lợi gì khi áp dụng giá điện 2 thành phần?

Người dân được lợi gì khi áp dụng giá điện 2 thành phần?
4 giờ trướcBài gốc
Giá điện minh bạch, công bằng hơn
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất Bộ Công Thương triển khai thí điểm giá điện 2 thành phần. Đây là vấn đề rất được người dân quan tâm, nhất là trong bối cảnh giá điện được điều chỉnh tăng 3 tháng/lần.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đoàn Văn Bình - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng - cho rằng, việc triển khai giá điện 2 thành phần (gồm giá điện theo công suất và điện năng tiêu thụ) là hợp lý và đáng lẽ nên thực hiện từ lâu, bởi việc này tác động lớn đến chi phí và giá thành sản xuất điện.
Theo ông Bình, hiện Việt Nam áp dụng giá điện 1 thành phần (trả tiền theo mức điện năng tiêu thụ). Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Đặc biệt, việc chỉ tính giá điện 1 thành phần (điện năng tiêu thụ) rất dễ dẫn tới việc người dân sử dụng nhiều điện chỉ trong thời gian ngắn; phải đầu tư lớn cho đường dây, trạm biến áp để vận hành, gây lãng phí, ảnh hưởng đến chi phí của cả hệ thống và làm cho giá điện tăng cao.
Giá điện 2 thành phần sẽ giúp người dùng quan tâm đến việc sử dụng điện hiệu quả.
Ông Bình dẫn chứng trường hợp người dân sử dụng 500kWh/tháng nhưng chỉ tập trung trong vài ba ngày; chi phí đầu tư để đảm bảo vận hành an toàn của cả hệ thống sẽ khác so với việc sử dụng 500kWh đều trong 30 ngày, dù số tiền điện phải trả của hai cách là như nhau.
Với đơn vị cung cấp điện, thay vì đầu tư nhà máy 100MW và chi phí đầu tư, vận hành cao, chỉ cần đầu tư nhà máy 10 MW là vừa đủ để phục vụ.
“Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ tạo ra mức giá công bằng hơn đối với người bán, người mua và các trường hợp sử dụng điện. Nếu phụ tải điều tiết khôn ngoan hơn, còn giúp giảm giá mua điện”, ông Bình cho hay.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, khi áp dụng giá điện 2 thành phần, người dùng sẽ phải quan tâm đến việc sử dụng điện thế nào cho hiệu quả nhất. Chẳng hạn, giá điện tính theo công suất đắt bắt buộc nhà máy phải giảm công suất và điều tiết sản xuất làm sao phù hợp; từ đó thay đổi hành vi sử dụng điện.
Nhóm khách hàng nào sẽ chịu tác động?
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Huy Hoạch, với giá điện 2 thành phần, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kWh công suất mà họ đăng ký hằng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, người dùng vẫn phải trả chi phí này thay vì ngành điện gánh chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Do đó, việc áp dụng giá điện 2 thành phần hầu như chỉ xảy ra đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sản xuất (điện 3 pha), nhóm khách hàng sinh hoạt có sản lượng nhiều hơn hoặc bằng 2.000 kWh/tháng. Giá điện sẽ được phân loại theo 4 cấp điện áp gồm: Siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp.
Việc tính giá điện 2 thành phần đã được nhiều nước thực hiện, trong đó phần lớn áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh và có một số nước áp dụng cho cả điện sinh hoạt.
EVN đề xuất thí điểm áp dụng giá điện 2 thành phần, với phương án lý tưởng nhất sẽ áp dụng từ đầu năm 2025.
Ông Hoạch cho biết, thực tế các tổng công ty điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc triển khai giá bán điện 2 thành phần sẽ không khó để áp dụng. Khách hàng sử dụng cùng sản lượng điện sử dụng theo tháng (tính bằng kWh) nhưng có hệ số phụ tải thấp thì phải trả nhiều tiền hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.
"Việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện bán lẻ hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn điện và lưới điện, để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, trước khi áp dụng cũng cần lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, người sử dụng và thông tin tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được", ông Hoạch chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - cho biết, ở các nước áp dụng giá điện 2 thành phần, khi điều chỉnh giá điện, hầu như khách hàng không kêu ca, bởi chi phí cố định giữ nguyên và minh bạch.
Hiện nay, chúng ta nghiên cứu thí điểm là đúng, để đánh giá tác động của nó ra sao, từ đó chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án. Đặc biệt, với người tiêu dùng sẽ có cơ hội đánh giá và so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện. Chúng ta cần có thời gian thí điểm như vậy để đánh giá, tổng kết và nhân rộng nếu thực sự thấy áp dụng giá điện 2 thành phần hiệu quả.
Về lộ trình triển khai, EVN đề xuất trước mắt áp dụng thử nghiệm đối với một số nhóm khách hàng. Kết quả tính toán tiền điện theo cơ chế giá điện 2 thành phần trong giai đoạn thử nghiệm tiếp tục dùng để so sánh, đánh giá, tổng kết, điều chỉnh trước khi sang giai đoạn chuyển đổi áp dụng chính thức.
Về lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần, đơn vị tư vấn đề nghị giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn chuyển đổi và áp dụng chính thức.
Phương án lý tưởng là từ ngày 1/1/2025 sẽ triển khai cho toàn bộ khách hàng, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất được triển khai và kết thúc như dự kiến.
Dương Hưng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nguoi-dan-duoc-loi-gi-khi-ap-dung-gia-dien-2-thanh-phan-post1689470.tpo