Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, ngay sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vaccine phòng cúm tăng gần 200% so với ngày thường.
Đáng chú ý, số người lớn, người cao tuổi đi tiêm chiếm gần 50% (có cả người dân trễ lịch tiêm cúm trong dịp Tết Nguyên đán và những lo ngại do ca bệnh tử vong gần đây).
Nhiều cha mẹ tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm do lo ngại lây nhiễm trong môi trường tập thể ở trường học.
Bên cạnh đó, nhiều người lớn chủ động đưa gia đình tiêm vaccine cúm và vaccine phòng bệnh hô hấp khác.
Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chi phí tiêm vaccine cúm thấp nhưng đem lại hiệu quả bảo vệ cao, giảm các biến chứng do cúm.
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến, gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn.
Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp….
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Vaccine cần tiêm nhắc lại hàng năm.
Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý ngoài phòng cúm, các bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có xu hướng gia tăng vào mùa Xuân, người dân nên chủ động phòng ngừa.
Xuân Phú