Người dân Hà Tĩnh thiệt hại nặng do mưa lớn gây ngập lụt

Người dân Hà Tĩnh thiệt hại nặng do mưa lớn gây ngập lụt
2 ngày trướcBài gốc
Hàng ngàn diện tích lúa vụ xuân bị chìm ngập trong nước.
Nước lên nhanh, người dân trở tay không kịp
8 giờ sáng 25-5, gia đình ông Phạm Văn Hường (1969, trú thôn Hương Mỹ, xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh) vẫn cố gắng dọn dẹp đồ đạc, lúa gạo, vật dụng trong nhà để giảm bớt thiệt hại do ngập lụt. Vợ chồng ông Hường cứ nghĩ nước sẽ không dâng lên quá cao, đồ đạc, tài sản trong nhà không bị ảnh hưởng. Nào ngờ, nước lũ lên nhanh, lúc 3 giờ sáng 25-5, nước ngập tới nửa người khiến vợ chồng ông trở tay không kịp. Đồ đạc, lúa gạo dù đã kê lên cao nhưng vẫn bị ngấm nước lũ, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trong khi đó, do chỉ có một mình nên khi thấy nước lũ lên nhanh, bà Phạm Thị Mai (1952, trú thôn Hương Mỹ, xã Tân Lâm Hương) chỉ kịp đưa một số vật dụng, đồ đạc lên cao, còn những vật nặng hay lúa đựng trong các bao bì thì bị ngấm nước. "Nước lũ lên quá nhanh khiến tôi trở tay không kịp, không biết làm gì hơn ngoài việc nhìn tài sản bị nhấn chìm trong biển nước" - bà Mai chia sẻ.
Do ảnh hưởng mưa lớn, Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu vận hành xả tràn lúc 20 giờ 30 ngày 24- 5 với lưu lượng xả 174m3/s; thời điểm lớn nhất 347m3/s. Nước lũ đổ về đột ngột trong đêm khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên không kịp trở tay. Hàng ngàn tấn lúa của nông dân vừa thu hoạch về chưa kịp kê gác đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Bà Dương Thị Thanh (1955, trú thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, đây là lần đầu tiên bà chứng kiến lũ lụt xảy ra vào cuối tháng 4 Âm lịch. "Hằng năm, lũ lụt thường xảy ra vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10. Đây là lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 4, nước lên nhanh quá khiến chúng tôi không kịp xoay xở. Nước cuốn trôi hơn 1,5 tấn lúa vụ xuân mà gia đình tôi vừa thu hoạch về"- bà Thanh rầu rĩ nói.
Vỡ đập Hà ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà.
Tương tự, chỉ sau một đêm mưa lớn, 15 sào lúa của gia đình ông Lê Văn Lĩnh (trú thôn 4, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) chìm trong nước lũ. Màu vàng óng của lúa chín nay chuyển thành màu bùn đỏ đục ngầu. "Sáng nay ra đồng thì nước đã ngập băng. Một số lúa vừa gặt hôm qua, phơi ngoài đồng chưa kịp mang về cũng chìm hết trong lũ. Mỗi sào ước thu từ 2,5 đến 3 tạ lúa, dự kiến thu về khoảng 4 tấn trong vụ Đông Xuân này coi như mất trắng rồi"- ông Lĩnh nghẹn ngào. Sinh ra ở vùng rốn lũ, ông Lĩnh đã quá quen với việc đối phó với thiên tai. Tuy nhiên, trận lũ này đến quá bất ngờ, lại đúng vào tháng 4 Âm lịch, đây là thời điểm thời tiết thường khô ráo nên người dân bị động. "Lũ mùa hè hiếm lắm, ở đây hầu như sang tháng 7 đến tháng 10 mới có lũ. Tôi cũng chủ quan vì nghĩ mưa xong rồi tạnh, ai ngờ nước lên ào ạt trong đêm như rứa"- ông nói Lĩnh nói thêm…
Lũ lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay.
Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra
Sáng 25-5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Cẩm Xuyên. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu huyện Cẩm Xuyên khẩn trương tổ chức rà soát các cống tiêu thoát đang quản lý; chỉ đạo bố trí lực lượng thường trực để vận hành, khơi thông cống nhằm tiêu thoát nước nhanh nhất có thể, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra đối với sản xuất lúa vụ xuân và dân sinh. Thống kê số lượng lúa đã gặt, liên hệ với các chủ máy sấy để sấy lúa cho người dân nhằm hạn chế thiệt hại; kịp thời chỉ đạo thu hoạch lúa ngoài đồng sau khi nước đã rút.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Cẩm Xuyên có 690 ha lúa bị ngập, hơn 1.800 tấn lúa bị ướt nước, hơn 175 ha hoa màu bị hư hỏng, hơn 11.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...
Tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tình hình ngập lụt cũng diễn biến hết sức phức tạp. Do ảnh hưởng mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, kết hợp mực nước trong lòng đập Hà (thôn Quý Hải) dâng cao khiến một đoạn đê của đập Hà (dài khoảng 7m, rộng khoảng hơn 4m) bất ngờ bị vỡ vào khoảng 1 giờ sáng ngày 25- 5. Sau khi đoạn đê của đập Hà bị vỡ, nước từ trong lòng đập chảy ồ ạt về phía hạ du, khiến gần 10ha lúa mùa và hoa màu gần chân đập bị ngập; nước cũng tràn vào vườn một số nhà dân ở địa phương. Được biết, đập Hà có diện tích khoảng 6- 7ha, xây dựng vào khoảng năm 1986, chân đập cao khoảng 3m. Đập chứa nước với dung tích khoảng 230.000m3, cung cấp nước tưới sản xuất cho hàng chục héc-ta hoa màu trên địa bàn. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cùng người dân đang nỗ lực khắc phục sự cố vỡ đê đập Hà. Báo cáo nhanh từ xã Thạch Ngọc cho thấy, gần 100 hộ dân có lúa bị ngập nước, hơn 600 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, gây tổn thất về kinh tế cho các hộ gia đình…
Cũng trong ngày 25-5, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương về việc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện của địa phương, phân công cán bộ xuống từng xã, từng thôn, bám sát địa bàn để hỗ trợ nhân dân thu hoạch diện tích lúa vụ xuân còn ngoài đồng. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch điều động hỗ trợ. Khẩn trương liên hệ với các chủ cơ sở sấy lúa để tổ chức sấy kịp thời số lúa đã bị ướt cho bà con nông dân, hướng dẫn người dân bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch chưa bị ướt nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tập trung túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa, hoa màu chưa thu hoạch. Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, bến đò ngang, đò dọc…; nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chức năng, trường học, địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn, tránh đuối nước và các nguy có thể xảy ra do mưa lũ cho học sinh…
X.Sơn
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/nguoi-dan-ha-tinh-thiet-hai-nang-do-mua-lon-gay-ngap-lut-post313621.html