Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tại xã Hoàn Long - một trong những vựa rau lớn của tỉnh, 2 ngày nay bà con đã tranh thủ từng giờ ra đồng thu hoạch nông sản, rau màu.
Ông Lê Quang Đóa, thôn Mễ Hạ, xã Hoàn Long chia sẻ: Gia đình tôi trồng 6 sào rau theo kiểu gối vụ, nếu để thêm vài ngày nữa sẽ đạt trọng lượng tối ưu nhưng sợ gặp mưa bão sẽ mất trắng. Tôi thuê thêm người làm, gọi luôn thương lái vào tận ruộng mua để kịp thu gom.
Không chỉ rau ăn lá, nhiều hộ dân cũng đang khẩn trương thu hoạch sớm các loại rau củ quả như cà, bí, mướp… bởi nếu chờ thêm vài ngày để quả đạt kích cỡ tối ưu mà gặp mưa lớn, gió mạnh thì rất dễ dập nát, thối hỏng, thiệt hại sẽ nặng hơn.
Người dân tại nhiều địa phương khẩn trương thu hoạch sớm các loại rau củ quả, rau màu nhằm giảm thiệt hại từ bão số 3 WIPHA.
Tại phường Phố Hiến, gia đình ông Vũ Đình Luận (thôn Đào Đặng) cũng đang gấp rút thu hoạch 1,5 mẫu bí xanh. Rút kinh nghiệm từ trận bão Yagi năm 2024 đã khiến phần lớn bí đổ giàn, thối hỏng khiến gia đình thiệt hại nặng nề. Năm nay ông Luận chủ động ứng phó từ sớm. Ngay từ sáng 20/7, gia đình ông đã huy động toàn bộ nhân lực trong nhà, đồng thời thuê thêm 2 lao động thời vụ để khẩn trương thu gom nông sản. Ông Luận chia sẻ: Bí xanh gặp gió lớn rất dễ đổ giàn, lại thêm mưa kéo dài thì quả bị dập nát, hư hỏng nhanh. Thu sớm lúc trời còn ráo để giữ được sản lượng là lựa chọn tối ưu trong thời điểm này.
Không khí khẩn trương cũng bao trùm tại xã Văn Giang. Các thành viên của Hợp tác xã rau, củ, quả an toàn Văn Giang đã đồng loạt ra ruộng khơi thông rãnh thoát nước, thu hoạch rau và ổi trước nguy cơ bão tới gần. Theo ông Triệu Văn Sửu, thôn Phi Liệt, thành viên hợp tác xã: Ổi, cam mà gặp gió mạnh là rụng đầy gốc. Dù chưa đúng kỳ thu hoạch nhưng tôi vẫn phải thu sớm khoảng 2 tấn ổi trong hôm nay để hạn chế thiệt hại.
Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng An, xã Lê Quý Đôn, nơi có tới 100 ha rau màu và 140 ha cây ăn quả như chuối, nhãn… bà con cũng đang tất bật thu hoạch những buồng chuối già quả, bởi đây là một trong những nông sản dễ tổn thất nặng nề nếu bị ngập úng hoặc đổ gãy. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực chằng chống cây trồng, gia cố giàn leo, nạo vét mương máng để tăng khả năng thoát nước, giảm nguy cơ ngập úng.
Với các vùng trồng hoa cây cảnh, thời điểm này người dân cũng đang tăng cường công tác ứng phó với bão số 3. Ông Phạm Hoành Sơn, Phó giám đốc HTX hoa, cây cảnh xã Phụng Công cho biết: Hiện nay, HTX có trên 4 ha trồng hoa, cây cảnh; tập trung ở một số nhóm như: Nội thất, trang trí sân vườn, cây công trình… Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất, 100% diện tích hoa, cây cảnh của HTX được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Từ ngày 19/7, HTX đã huy động thành viên di chuyển nhóm hoa thân thảo vào khu vực cao ráo để tránh ngập úng, chằng chống các cây công trình, hạ thấp mái khung nhà lưới, nhà kính… để tránh thiệt hại khi có mưa to, gió lớn.
“Rút kinh nghiệm từ trận bão số 3 Yagi của năm 2024, đã khiến nhiều nhiều diện tích chuối, rau màu, cây cảnh hư hỏng hoàn toàn. Năm nay, chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng ra đồng thu hoạch sớm, che chắn, gia cố cây trồng trước khi bão đổ bộ” – ông Sơn thông tin.
Tương tự, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng mới) và các tổ chức chính trị-xã hội xã cũng đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ hàng ngàn tấn dưa lưới xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Theo thông tin từ xã Vĩnh Bảo do ảnh hưởng của bão số 3, khoảng hơn 3 tấn dưa lưới xuất khẩu của bà con nông dân xã Vĩnh Bảo đang đứng trước nguy cơ hư hỏng nếu không tiêu thụ kịp thời.
Với tinh thần “tương thân tương ái – cùng nhau vượt bão”, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Bảo và các tổ chức chính trị - xã hội xã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân chung tay giải cứu nông sản, đồng hành cùng bà con vượt bão.
Người dân đồng thời chủ động che chắn, khơi thông rãnh thoát nước trước nguy cơ bão tới gần.
Ông Phạm Văn Lượng Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Bảo cho biết, do ảnh hưởng bởi bão số 3, một số trang trại trồng dưa nhà lưới của các HTX, hộ gia đình đã đến kỳ thu hoạch có nguy cơ hư hỏng nếu không tiêu thụ kịp thời. Do đó, chiều nay 21/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Bảo kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân chung tay giải cứu hơn 3,5 tấn dưa nhà lưới còn tồn của các hộ dân ở xã Vĩnh Bảo.
Cũng trong sáng nay (21/7), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP. Hải Phòng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thành phố cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề, nhất là công tác dự báo sớm và đúng, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý, trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có rất nhiều công trình trọng điểm kinh tế. Có công trình đã hoàn thành, đang hoạt động ổn định - những hạng mục này đã được tính toán, kiểm soát. Tuy nhiên, đáng lưu tâm hơn là những công trình đang trong giai đoạn thi công dở dang là điểm dễ phát sinh sơ hở, tiềm ẩn rủi ro lớn về thiệt hại tài sản trong bão, vì vậy cần đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ.
Riêng với công tác bảo đảm an toàn đê điều, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát từ trước. Những nơi xung yếu, chất lượng đê điều chưa bảo đảm phải tập trung xử lý ngay. "Sau mỗi trận bão phải rút kinh nghiệm và hành động dứt khoát, tránh tình trạng lặp lại", Phó Thủ tướng nói.
Đối với các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải cưỡng chế kiên quyết, nhưng muốn người dân thực sự di dời khỏi lồng bè thì phải bảo đảm phương án bảo vệ tài sản cho họ. Đồng thời, cần huy động tối đa lực lượng vũ trang giúp dân chằng chống, bảo vệ lồng bè - coi đây là cuộc chạy đua với thời gian trước bão.
"Chúng ta không thể mãi “đối phó” với bão-cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân",... Phó Thủ tướng nói.
Hồng Hương