Người dân Kháng Chiến vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi

Người dân Kháng Chiến vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi
15 giờ trướcBài gốc
Người dân thôn Bản Nằm, xã Kháng Chiến phát triển mô hình trồng cây ăn quả từ vốn vay ưu đãi
Những ngày giữa tháng 12/2024, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Nguyễn Thu Hiền, thôn Bản Nằm, xã Kháng Chiến trong lúc gia đình chị đang tất bật thu hoạch quả mang đi tiêu thụ. Chị Hiền chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ làm ruộng nên không có thu nhập ổn định. Năm 2020, được cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng 1 ha cây ăn quả (cam đường Canh, bưởi Diễn, cam Vinh). Sau khi vay vốn, tôi được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả của gia đình tôi phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình thu được 5 - 6 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Nông Văn Nẻn, thôn 1, xã Kháng Chiến cũng vay vốn để trồng rừng, bước đầu đem lại thu nhập cho gia đình. Anh Nẻn cho biết: Gia đình tôi có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn để trồng rừng. Năm 2022, gia đình tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Gia đình tôi đã sử dụng số vốn được vay để chăm sóc một số diện tích keo đã trồng trước đó, đồng thời trồng bổ sung thêm một phần diện tích cây bạch đàn, mua phân bón, thuê người phát dọn rừng. Đến cuối năm 2023, gia đình tôi khai thác 0,5 ha rừng keo, đem lại thu nhập 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí, dự kiến sang năm 2025, gia đình tôi tiếp tục khai thác 5 ha rừng.
Không chỉ gia đình chị Hiền, anh Nẻn, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kháng Chiến đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn xã đạt 24 tỷ đồng với 321 hộ còn dư nợ. Đây là xã có dư nợ cho vay cao nằm trong tốp 5 của huyện. Nguồn vốn đã tiếp sức người dân vươn lên, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh tế phát huy lợi thế của xã như: trồng rừng (keo, bạch đàn, quế), trồng cây ăn quả (bưởi Diễn, cam đường Canh, cam Vinh), chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ... Đến nay, diện tích trồng rừng của xã là 2.170 ha; diện tích trồng cây ăn quả gần 10 ha.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Kháng Chiến hiện có 655 hộ dân với 2.764 nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, hằng năm, UBND xã phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ dân, sau đó, hướng dẫn họ lập hồ sơ, đồng thời, định hướng sử dụng nguồn vốn sao cho phù hợp; phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên các hộ vay để đôn đốc các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, nắm bắt kịp thời những khó khăn để có hướng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 3 hoặc 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp các hộ vay có kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, các hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.
Ông Dương Trung Kiên, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Kháng Chiến cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn quan tâm phối hợp với ngân hàng triển khai hiệu quả các chương trình cho vay. Nhờ đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, tỷ lệ thu nợ, thu lãi đạt 100%. Qua đó, nguồn vốn được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã. Với kết quả đó, tháng 7/2024, xã Kháng Chiến được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, đến nay, trên địa bàn xã có 50 hộ dân có mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao, bình quân từ 80 - 300 triệu đồng/năm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, đóng góp tích cực trong thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như thu nhập, giảm nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Nhờ đó, năm 2023, xã Kháng Chiến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo xã còn 2,44%, bình quân hằng năm giảm từ 3% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm (năm 2023 là 42,5 triệu đồng/người/năm).
HIỂU LAM
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nguoi-dan-khang-chien-vuon-len-tu-nguon-von-uu-dai-5032795.html