Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành hướng dẫn chi tiết về chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sáp nhập tỉnh thành.
Quá trình chỉnh lý hồ sơ địa chính, bao gồm bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cần được thực hiện đồng thời với việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương.
Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai đang được quản lý, lưu trữ, vận hành thì tiếp tục được khai thác, quản lý, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai do sắp xếp lại đơn vị hành chính phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc, cản trở cho người dân và doanh nghiệp.
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, người dân không bắt buộc phải thay đổi sổ đỏ đã được cấp, trừ khi có nhu cầu.
Đối với các tỉnh đã có bản đồ địa chính, sẽ giữ nguyên kinh tuyến trục như trước khi sáp nhập. Còn đối với những nơi chưa có bản đồ, sẽ ưu tiên sử dụng một kinh tuyến trục chính xác hơn trong số các tỉnh được hợp nhất khi đo đạc, lập bản đồ địa chính mới.
Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) đã cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, người dân không bắt buộc phải chỉnh lý hàng loạt sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp có nhu cầu hoặc làm cùng với các thủ tục liên hành chính quan đến đất đai.
Việc chỉnh lý thông tin trên sổ đỏ cần tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 10 năm 2024. Nếu sổ đỏ đã cấp không còn chỗ trống để xác nhận thay đổi, sẽ cấp mới sổ đỏ theo quy định để thể hiện thông tin đất theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 101 năm 2024 của Chính phủ.
Thông tin bản đồ địa chính cũng cần được cập nhật theo tên gọi các cấp xã và số hiệu theo quy định mới. Ngoài ra, cần điều chỉnh các yếu tố trình bày trên bản đồ cho phù hợp. Các thửa đất giáp ranh giữa các tỉnh trước khi hợp nhất sẽ được xem xét sử dụng một kinh tuyến trục phù hợp.
Về cơ sở dữ liệu đất đai, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập có trách nhiệm chỉ đạo việc chuyển đổi dữ liệu sang phần mềm thống nhất để dễ dàng cập nhật và chia sẻ. Dữ liệu không gian cần bổ sung thông tin theo đơn vị hành chính mới quy định tại Nghị định số 101 năm 2024.
Cuối cùng, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, thống kê hồ sơ địa chính và các tài liệu liên quan để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới, đảm bảo không bị thất lạc và quản lý hiệu quả. Hồ sơ điện tử sẽ tiếp tục được khai thác và phục vụ tốt cho các dịch vụ của người dân và doanh nghiệp.
H.A