Người dân là trung tâm trong mọi quyết sách của Đà Nẵng

Người dân là trung tâm trong mọi quyết sách của Đà Nẵng
7 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: “Tại Đà Nẵng, người dân luôn là chủ thể, là trung tâm trong mọi quyết sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế - xã hội vì đời sống Nhân dân và dựa vào Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội luôn là “kim chỉ nam” trong tiến trình kiến thiết TP”.
Clip Đà Nẵng với chính sách chạm đến người dân.
Những chương trình riêng có ở Đà Nẵng
. PV: Thưa ông, 28 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, có đến 25 năm TP kiên trì thực hiện chương trình “TP 5 không”, ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật của chương trình đầy tính nhân văn này?
+ Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Năm 2000, Đà Nẵng đề ra chương trình “ TP 5 không”: Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của”. Đây là chủ trương mang đậm tính nhân văn, đột phá, chưa có địa phương nào trong cả nước đặt ra.
Về mục tiêu "không có hộ đói”, ngay sau hai năm triển khai, Đà Nẵng đã cơ bản không còn hộ đói, chuyển sang “không có hộ đặc biệt nghèo”. TP đã chọn gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thực hiện các chính sách đặc thù riêng, tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và cộng đồng xã hội để hỗ trợ. Đến nay, TP cơ bản không còn hộ đặc biệt nghèo.
Mục tiêu “không có người mù chữ” đã chuyển sang “không có học sinh bỏ học”, tập trung phổ cập tất cả các cấp học, nhất là không để học sinh phải nghỉ học. Về mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, TP không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, các điểm nóng được xử lý triệt để.
Về mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng" và "không có giết người để cướp của”, tình trạng người nghiện được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng giết người cướp của giảm xuống đến mức tối đa.
. Từ TP “5 không” đến TP “3 có”, “4 an”, Đà Nẵng đã thực hiện thành công những mục tiêu này thế nào, thưa ông?
+ Tiếp nối thành công của chương trình “TP 5 không”, năm 2005, Đà Nẵng tiếp tục đề ra chương trình “3 có”: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị". 20 năm qua, TP đã giải quyết bố trí cho thuê hơn 10.000 căn hộ, góp phần giảm tải áp lực về chỗ ở cho người dân an cư lạc nghiệp.
Bình quân hàng năm, TP giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động (trong đó gần 20.000 việc làm mới tạo ra). Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân có sự chuyển biến rõ rệt, tạo ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè, du khách thập phương.
Đến năm 2016, Đà Nẵng đề ra chương trình “TP 4 an”: “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các lĩnh vực như: Kéo giảm nhiều loại tội phạm, xử lý các điểm đen giao thông, nút giao thông tránh ùn tắc và tăng cường lực lượng kiểm tra xử phạt.
Đà Nẵng đã thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm; lực lượng kiểm tra được tăng cường, tập trung xử lý những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm... Nhờ vậy đã hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thức ăn, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được TP quan tâm hàng đầu, thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn như trong đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, không chỉ người dân thường trú, nhiều lao động ở nơi khác đến làm việc, mắc kẹt ở đây cũng được chăm lo chu đáo.
Ngoài việc được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, TP còn có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/người để giảm bớt khó khăn trước mắt cho người dân trong hoàn cảnh nguy cấp của đại dịch. Nhiều người đã rất xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ này của TP.
Có thể nói rằng, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân đã làm nên sự thay đổi hết sức tích cực về diện mạo đô thị; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao, tạo nên một hình ảnh Đà Nẵng an bình, thân thiện, đáng sống.- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh.
Ông Lê Trung Chinh kiểm tra việc mở rộng kiệt hẻm tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Tăng trưởng kinh tế luôn gắn với an sinh xã hội
.Đà Nẵng liên tục chọn chủ đề năm xoay quanh hai trụ cột là “tăng trưởng kinh tế” và “đảm bảo an sinh xã hội”, có sự gắn kết nào giữa hai trụ cột này?
+ Gần nhất là năm 2024, Đà Nẵng chọn chủ đề năm “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 tăng 7,5%; quy mô nền kinh tế TP đạt hơn 151.300 tỉ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỉ đồng so với năm 2023.
Với nguồn lực hiện có của TP, dù khiêm tốn hơn so với hai đầu đất nước, nhưng các mục tiêu an sinh xã hội luôn được duy trì thực hiện, đời sống Nhân dân được các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm thực hiện.
Đà Nẵng tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo, như nâng mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội năm 2024; phê duyệt triển khai chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình theo chuẩn TP quy định tại Nghị quyết số 105/2023 của HĐND TP. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao quyết định bố trí thuê chung cư cho hộ nghèo. Ảnh: TẤN VIỆT
.Đà Nẵng và Quảng Nam lại sắp “về chung một nhà”, công tác an sinh xã hội sẽ được định hướng thực hiện thế nào, thưa ông?.
+ Trong chiều dài lịch sử, Quảng Nam và Đà Nẵng tuy hai mà một, luôn hỗ trợ nhau, đoàn kết phát triển, hướng đến nâng cao đời sống Nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong công tác đền ơn đáp nghĩa nhiều năm qua, hay mới đây nhất là việc thông xe cây cầu nghĩa tình mang tên Quảng Đà kết nối hai địa phương qua sông Yên.
Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng xác định, tiếp tục phấn đấu xây dựng TP đáng sống, xây dựng vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng phát triển, xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Việc hợp nhất hai địa phương hướng đến hình thành một TP Đà Nẵng mới văn minh, thịnh vượng, hạnh phúc không chỉ đối với người dân mà còn là mảnh đất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, người tài, những người chọn Đà Nẵng để đầu tư, lập nghiệp và sinh sống.
Đồng thời tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc con người xứ Quảng “trung dũng, kiên cường, sáng tạo, nhân văn” gắn với giáo dục văn hóa truyền thống, xây dựng con người TP hiện đại, giàu bản sắc, sáng tạo, cùng mục tiêu “5 cao”: “Tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao, chất lượng sống cao”.
Tấn Việt
Nguồn PLO : https://plo.vn/nguoi-dan-la-trung-tam-trong-moi-quyet-sach-cua-da-nang-post848773.html