Làng Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng đào truyền thống, cung cấp hoa cho thị trường khắp cả nước. Với diện tích khoảng 57ha, hơn 700 hộ dân và 1.200 xã viên gắn bó với nghề, năm nay làng đào chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, khiến nhiều diện tích bị hư hại. Để khôi phục, người dân đã tích cực cải tạo đất, tỉa cành và chăm sóc đào, nỗ lực đưa cây kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm làng đào Nhật Tân bắt đầu vào vụ tuốt lá để sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán.
Đối với người trồng đào, yếu tố thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo một mùa vụ thành công. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật tuốt lá, người dân có thể điều chỉnh thời gian để hoa nở đúng dịp. Thông thường, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 âm lịch, người trồng đào bắt đầu gấp rút tuốt lá, nuôi mắt và chăm sóc để cây ra nụ.
Ghi nhận từ phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, những ngày này, làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân tất bật chăm sóc cây để chuẩn bị cho mùa hoa Tết. Nhiều hộ trồng đào lớn phải thuê thêm nhân công nhằm đảm bảo tiến độ, với mức giá thuê hiện dao động từ 350.000 đến 450.000 đồng/người/ngày.
Cô Hồ Thị Loan, 62 tuổi, một người gắn bó nhiều năm với nghề trồng đào, chia sẻ: “Tuốt lá đào tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và kinh nghiệm. Nếu không khéo, mầm hoa ở nách lá rất dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến chất lượng hoa.”
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội):
Để không lỡ hẹn dịp Tết, các chủ vườn thường thuê người tuốt lá trước Tết Nguyên đán 30-45 ngày.
Người dân tại các vườn đào ở làng Nhật Tân chia thành nhóm 5-7 người, tập trung tuốt lá để kịp chuẩn bị cho mùa hoa Tết.
Làm nghề tuốt lá đào thuê suốt 13 năm qua, cô Nguyễn Thị Yên (62 tuổi, phường Nhật Tân) cho biết đây là công việc được nhiều người lựa chọn để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm. “Cứ đến thời điểm này, các chủ vườn lại gọi điện nhờ tôi làm. Một mùa tôi thường nhận tuốt lá cho 2-3 hộ gia đình. Mỗi ngày công được trả trung bình từ 350.000 đến 500.000 đồng", cô Yên chia sẻ.
Cô Yên cho biết thêm, những người chưa quen nghề thường mất nhiều thời gian, có khi phải làm cả ngày mới hoàn thành tuốt lá một cây đào.
Công việc tuốt lá đào thường bắt đầu từ 6h sáng đến 11h trưa, buổi chiều từ 13h đến 17h30. Người làm phải kiên nhẫn và tỉ mỉ để không làm hỏng mầm hoa.
Được biết, đào thế - loại có giá trị cao thường được ưu tiên chăm sóc trước vì cần khoảng 60 ngày để ra hoa, trong khi đào cành chỉ mất khoảng 30 ngày.
Trung bình mỗi ngày, một người chuyên nghiệp có thể tuốt được khoảng 3-5 cây.
Hình ảnh cây đào khi đã được tuốt hết lá.
Theo những người có kinh nghiệm, nghề trồng đào phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, tuy nhiên, với kỹ năng tuốt lá, người trồng vẫn có thể đạt được thành công. Thời tiết và bàn tay con người chính là những yếu tố tác động quyết định để hoa nở đúng dịp.
Bên cạnh việc tuốt lá, người dân còn phải tưới nước đều đặn và sau một tháng sẽ tiến hành bón phân để cây phát triển khỏe mạnh, đảm bảo hoa nở đẹp đúng dịp Tết.
Nhiều chủ vườn đào cho biết, mặc dù hiện nay mới chỉ trong công đoạn tuốt lá, nhưng đã có nhiều gốc hoa nở sớm và được nhiều người đặt thuê để chơi trước Tết.
Hiện nay ở Nhật Tân có 3 loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ. Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ.
Vũ Hồng Hải