Khoảng 2 tháng trước, cơn bão số 3 đã đi vào đất liền Việt Nam gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Một số tỉnh/ thành trực tiếp bị ảnh hưởng khiến mùa màng, cây trồng của người nông dân bị hư hại hoàn toàn.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong việc khắc phục hậu quả sau bão lũ, tới nay những người nông dân phần nào đã ổn định lại để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp tới.
Những vườn quất cảnh được người dân chăm sóc tươi tốt chờ cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, những người nông dân tại các làng nghề như hoa Tây Tựu, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên... đang tất bật chuẩn bị các giống cây trồng để phục vụ cho dịp Tết 2025.
Tại làng Tứ Liên chiều 26/11, những nhà vườn bị thiệt hại sau bão số 3 đang tất bật công việc đồng áng, chăm bón những cây quất cảnh để kịp phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân.
Là hộ gia đình bị thiệt hại nhiều sau cơn bão số 3, chủ nhà vườn Vấn Chiều cho biết, đợt ngập vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà ông. Với diện tích hơn 1ha, bình thường vườn nhà ông Chiều trồng hơn 700 cây nhưng đợt bão vừa qua, cây ngập chết hết chỉ còn hơn 200 cây.
Thời gian này, các nhà vườn như nhà ông Chiều phải dùng những biện pháp chăm sóc tích cực đối với cây để cây có thể “hồi” được trước tết. Tăng lượng phân bón so với mọi năm, thường xuyên tưới nước và quan sát những biểu hiện của cây để kịp phát hiện những vấn đề phát sinh.
Khuôn viên một vườn quất của hộ gia đình tại làng Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
"Bình thường mọi năm vườn nhà tôi cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng, cây nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng và cây to thì khoảng 3-4 triệu đồng/cây. Cây năm nay tại vườn nhà tôi không được tốt như mọi năm mặc dù đã được chăm sóc đặc biệt. Gia đình tôi năm nay xác định lỗ và ước tính thiệt hại lên đến 60%", ông Chiều cho biết.
Hiện vườn quất nhà ông Chiều chưa có đơn hàng nào đặt trước, theo dự đoán phải vào khoảng đầu tháng 12 Âm lịch (tháng Chạp) mới có nhiều đơn hàng. "Đợt bão vừa qua có thông báo hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy gì", ông Chiều nói thêm.
Cách đó không xa, vườn quất nhà ông Bùi Quang Trạch (62 tuổi) là hộ gia đình có số lượng cây bị ảnh hưởng gần như ít nhất tại làng Tứ Liên cho biết: "Đợt bão vừa qua, gia đình tôi trồng được khoảng 600 cây và chỉ chết khoảng 20 cây".
Những chậu quất cảnh chờ các "thượng đế" tới mua về chơi Tết Nguyên đán 2025.
Nói về chất lượng cây năm nay, ông Trạch đánh giá là tốt hơn những năm trước. Hầu hết những cây quất đều có tán to, cành lá sum suê, quả sai, tròn, mẩy và đều quả. Giá năm nay ước tính tăng khoảng 20% so với mọi năm do cây giống năm nay đi mua đã tăng rồi chưa kể phân bón, chăm sóc vất vả hơn mọi năm.
Ông Trạch tiết lộ, thời điểm này, cây trong vườn nhà ông đã được khách buôn đặt gần hết và đang chuyển đi cho khách buôn.
"Thời điểm này khách buôn đã đến đánh gốc đem về vườn nhà họ chăm sóc, nếu còn thì số cây còn sót lại đến giáp Tết gia đình tôi sẽ đem đi bán lẻ. Trước Tết khoảng nửa tháng lượng người đến mua rất đông. Tầm lúc đấy là khách đến mua về chơi Tết rồi. Ước tính doanh thu năm nay cũng bình bình như những năm trước", ông Trạch nói.
Theo quan sát, tại vườn quất nhà ông Trạch có đa dạng kích thước cây từ chậu nhỏ tới chậu to có giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng chục triệu đồng. Bình thường vườn chỉ có mình vợ chồng ông chăm nhưng đến những thời điểm này thì phải thuê thêm 2-3 nhân công để làm việc cho kịp lứa quất phục vụ Tết Nguyên đán 2025.
"Ngoài Tết tầm khoảng tháng 2 thì cho quất vào chum đất, chăm sóc đến khoảng tháng 4, tháng 5 là cây ra hoa. Trường hợp cây chưa đủ lớn thì đến tháng 6 mới ra hoa. Cũng có trường hợp cây ra hoa nhưng dính vào đợt nắng hỏng. Mỗi cây quất nếu biết chăm sóc có thể chơi được rất lâu, khoảng nửa năm thậm chí có thể chơi đến gần Tết năm sau", ông Trạch cho biết thêm.
Nhìn chung, sau bão số 3 thì các làng nghề truyền thống tại Hà Nội đều bị thiệt hại nhiều về kinh tế, tuy nhiên, người dân đã phần nào khắc phục và bình ổn lại thị trường. Dịp Tết năm nay đào, quất có thể sẽ không được như kỳ vọng nhưng không vì thế mà bớt nhộn nhịp, bởi vì nhu cầu chơi cây cảnh của người dân vẫn chưa bao giờ hết sôi động vào mỗi dịp cuối năm.
Bài và ảnh: Trung Nguyễn