Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 15/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Không còn nơi nào là an toàn
Vào đầu cuộc chiến, những người dân làng Cơ đốc giáo ở Aitou ở cực Bắc Liban (Lebanon) hiếm khi nghe thấy tiếng thiết bị bay không người lái (UAV) vo ve hoặc tiếng bom nổ - những sự việc xảy ra hàng ngày ở phía Nam, nơi Israel đang chiến đấu với nhóm chiến binh Hezbollah.
Sau đó, một gia đình nông dân trồng thuốc lá người Shiite di dời từ phía Nam đã đến Aitou để tìm nơi trú ẩn. Những ngày sau đó, nhiều người thân khác đến với gia đình. Vào ngày 14/10, một người đàn ông được cho là làm nhiệm vụ phân phát tiền viện trợ của Hezbollah đã lái xe đến ngôi nhà nơi gia đình đang ở và mang theo những túi tiền mặt, theo lời kể của hai người hàng xóm và một người giao nước.
Vài phút sau, một cuộc không kích của Israel đã san phẳng ngôi nhà và giết chết toàn bộ gia đình cùng với người đàn ông mang tiền đến. Một số tờ tiền, gồm cả đô la Mỹ và bảng Anh, được nhìn thấy bay trong không trung tại địa điểm ngay sau vụ nổ.
Cuộc xung đột Israel-Hezbollah đã leo thang dữ dội vào tháng 9, khiến hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người Hồi giáo Shiite từ miền Nam Liban, phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người tìm nơi ẩn náu ở những khu vực có nhiều tín ngưỡng và giáo phái khác nhau, và các cuộc ném bom của Israel dường như theo dấu những người sơ tán khi họ tản đi khắp đất nước. Các cuộc không kích như cuộc không kích ở Aitou, vượt ra ngoài miền Nam Liban nơi Hezbollah thống trị, đã bắt đầu gia tăng.
Những cuộc tấn công này đã làm gián đoạn cuộc sống ở những nơi trước đây vốn an toàn, làm bùng phát căng thẳng giáo phái âm ỉ từ lâu ngay dưới bề mặt xã hội Liban. Chúng gieo rắc nỗi sợ rằng bất cứ nơi nào những người di tản xuất hiện, bom của Israel sẽ theo sau.
Những người hàng xóm đến chia buồn với gia đình nạn nhân theo đạo Cơ đốc đã trút sự thất vọng lên Hezbollah, phe phái quân sự và chính trị hùng mạnh nhất ở Liban, những người muốn chống lại Israel. Elias, 54 tuổi, một người bạn của chủ nhà bị đánh bom, bức xúc: "Các người đã mời họ đến đây bằng cuộc pháo kích của mình", ám chỉ đến các cuộc tấn công của Hezbollah vào Israel trong năm qua để thể hiện tình đoàn kết với nhóm Hamas ở Gaza.
Là một quốc gia nhỏ chỉ có hơn 5 triệu người, Liban từ lâu đã bị chia rẽ theo các tôn giáo, giáo phái. Những người theo đạo Thiên chúa Maronite và Chính thống giáo, người Druse, người Hồi giáo Sunni và Shiite, những người theo các cách giải thích khác nhau về đạo Hồi, chỉ là một số cộng đồng nắm quyền.
Sự chia rẽ về giáo phái đã thúc đẩy cuộc nội chiến 1975-90 của đất nước, kết thúc bằng sự phân chia quyền lực mới theo các đường lối tôn giáo và giáo phái. Kết quả là sự tê liệt về chính trị và một nhà nước rối loạn chức năng, thậm chí còn không có mạng lưới điện hoạt động. Và sau 30 năm, nhiều lãnh chúa chịu trách nhiệm cho cuộc nội chiến vẫn là những nhân vật chính trị nổi bật.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thị trấn Saksakiyeh, Liban ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Những nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến vẫn ám ảnh xã hội Liban, đến nỗi vào cuối tháng 10, bộ trưởng quốc phòng nước này đã tổ chức một cuộc họp báo trong đó ông đặc biệt cảnh báo về "fitna", tiếng Arab có nghĩa là "xung đột dân sự", và nói rõ rằng ông thấy mối nguy hiểm nghiêm trọng trong bất kỳ điều gì gây chia rẽ tôn giáo hoặc giáo phái.
Sự thay đổi thái độ
Khi những người di tản đầu tiên bắt đầu tỏa đến các cộng đồng khác, họ nhận được sự đồng cảm rộng rãi từ những người dân địa phương, những người đã chia sẻ từ chăn màn, thức ăn, hay nơi trú ẩn, những biểu hiện cho tình đoàn kết phi thường. Nhưng sau đó, các cuộc không kích của Israel đã xảy ra, và sự ấm áp đã nhường chỗ cho nỗi lo rằng các thành viên Hezbollah có thể nằm trong số đám đông đang chạy trốn.
Hàng chục nghìn gia đình người Shiite ở Liban nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Hezbollah, và nhóm này đã trao những khoản tiền hỗ trợ nhỏ cho một số người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Theo thời gian, số người di tản tăng lên, vượt quá một triệu người.
"Họ ở trong trường học, trong những tòa nhà bỏ hoang, trong các ngôi làng. Bất cứ nơi nào họ đến, mọi người đều sợ hãi", Rabih Haber, một cố vấn chính trị người Liban cho biết. "Tại sao? Bởi vì một số ít trong họ sẽ được trang bị vũ khí, một số sẽ trở thành mục tiêu".
Bộ Y tế Liban cho biết cuộc không kích của Israel vào Aitou mạnh đến mức đã giết chết toàn bộ gia đình người Shiite di tản, 21 người. Một số thành viên trẻ em. Vụ nổ đã biến ngôi nhà thành đống đổ nát và gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng rằng điều tương tự có thể xảy ra nếu những gia đình người Shiite khác đang sơ tán đến vùng đất mới.
“Chuyện như thế này chưa bao giờ xảy ra ở Aitou”, Sarkis Alwan, 54 tuổi, anh trai của chủ nhà, cho biết. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chiến tranh sẽ lan đến đây”.
Yara Abdel-Naby, 21 tuổi, một sinh viên đại học người Shiite đến từ ngôi làng Bnaafoul ở miền Nam Liban, cho biết sự thay đổi từ thái độ chào đón sang cảnh giác rồi thù địch đối với nhóm dân cư di tản đang diễn ra nhanh chóng.
Tại các thị trấn khác do người Cơ đốc giáo và người Druse thống trị ở vùng núi phía Đông thủ đô Beirut, mọi người bắt đầu tìm thấy tờ rơi vào cuối tháng 10 cảnh báo bất kỳ ai có liên quan đến Hezbollah hoặc Amal, một phe phái Shiite khác của Liban, hãy rời khỏi khu vực này “vì sự an toàn của bạn và sự an toàn của chúng tôi”.
Tại Beirut, một lãnh đạo cộng đồng Cơ đốc giáo người Armenia, cho biết ông đã thiết lập một đường dây nóng để người dân báo cáo khi họ nghi ngờ những người mới di dời đến, có thể có liên quan đến Hezbollah.
Khu phố Achrafieh chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa ở Beirut hiện được đánh dấu bằng những lá cờ trắng của Lực lượng Liban, một đảng phái Thiên chúa giáo. Những lá cờ này gần như có chức năng như một hàng rào, báo hiệu cho những người Shiite phải di dời đang tìm nơi ở rằng họ không được chào đón ở đây.
“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai có lý lịch đảng phái ở đây”, Maroun, 60 tuổi, một kỹ thuật viên nha khoa nói, ám chỉ Hezbollah. “Tất nhiên chúng tôi cảm thấy phải đoàn kết với những người di tản. Nhưng chúng tôi không muốn gây nguy hiểm cho gia đình mình. Chúng tôi không muốn cuộc chiến này. Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi", ông Maroun giải thích.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)