Thủ đoạn tinh vi
Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tội phạm trộm cắp tài sản, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Qua quá trình điều tra các vụ việc, Công an thành phố Hà Nội xác định phương thức, thủ đoạn chủ yếu là cậy cửa, phá khóa đột nhập vào các doanh nghiệp, nhà dân… phá két trộm cắp tài sản là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị; đập phá kính ô tô để trộm cắp tài sản bên trong gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, tội phạm trộm cắp xe máy, ô tô… cũng diễn biến với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá nhiều đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe gian, bắt giữ toàn bộ các đối tượng liên quan...
Nhóm đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ
Điển hình, đầu tháng 3-2025, Công an phường Láng Hạ phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội đã bóc gỡ một đường dây chuyên trộm cắp xe máy, bán cho chủ cửa hàng sửa chữa xe để tháo dỡ phụ tùng rồi tiêu thụ, hòng qua mặt cơ quan chức năng, bắt giữ 4 đối tượng để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Các đối tượng gồm Hoàng Văn Tuấn (SN 1985, trú tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); Nguyễn Công Mạnh (SN 1995, trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội); Lưu Thế Hạnh (SN 1995, trú tại xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Nguyễn Như Tùng (SN 1990, trú tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cơ quan Công an cũng thu giữ nhiều xe máy các loại, là tang vật của các vụ trộm cắp.
Qua nhận điện, đánh giá tình hình về tội phạm trộm cắp tài sản cho thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động đã có sự thay đổi, ngày càng tinh vi và manh động hơn; có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công cụ, phương tiện và số lượng đối tượng tham gia. Để có biện pháp bảo vệ tài sản cũng như nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, tố giác, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nắm vững phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm.
Trong đó, đối với tội phạm trộm cắp tại các cơ quan, doanh nghiệp, đối tượng thường có sự ngụy trang, ẩn danh rất tinh vi, kỹ lưỡng. Cụ thể, đối tượng có thể là cán bộ, nhân viên, lao công, giúp việc… đã từng công tác hoặc đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, là người có điều kiện nắm rõ, tiếp cận địa điểm, nơi cất, giữ tài sản cũng như thời gian, không gian và nắm bắt được tâm lý, đời sống sinh hoạt của người được giao, quản lý tài sản. Từ đó tìm ra sơ hở, chủ quan của tập thể, cá nhân quản lý tài sản để đột nhập trộm cắp tài sản.
Tội phạm trộm cắp nhà dân, thường lợi dụng các điều kiện để đột nhập nhà dân như đêm khuya, khu dân có tuyến đường vắng người qua lại; thời tiết mưa bão; hệ thống điện lưới hư hỏng; chủ nhà chủ quan hoặc quên không khóa cửa (nhất là vào mùa hè), chủ nhà thường xuyên đi vắng dài ngày hoặc tham gia các kỳ nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè; có trường hợp gia đình con cái đi làm xa chỉ có người già ở nhà một mình…
Địa thế, vị trí ngôi nhà có điều kiện để đối tượng trèo qua ban công rồi đột nhập vào nhà (liền kề cột điện, cây cao…); nhà chưa được lắp đặt các thiết bị giám sát cảnh báo, chống trộm.
Đối với tội phạm trộm cắp xe máy, đập kính ô tô trộm cắp tài sản, đối tượng thường tiếp cận, hướng tới những chiếc xe ô tô có giá trị, chủ sở hữu có điều kiện kinh tế; vào ban đêm lợi dụng chủ xe ngủ say, đỗ xe trước cửa nhà hoặc vỉa hè nhất là khu vực vắng người qua lại, xe không được lắp đặt thiết bị cảnh báo chống trộm, hoặc xe máy để không khóa cổ, khóa càng, không có người trông giữ.
Người dân cần làm gì khi phát hiện kẻ trộm?
Khi nhận thấy đối tượng chuẩn bị hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội, cá nhân không nên tự ý một mình truy đuổi, giằng co, bắt giữ đối tượng; tránh tình huống đối tượng manh động, sử dụng hung khí chống trả để tẩu thoát sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe.
Một đặc điểm của kẻ gian là rất sợ bị phát hiện, khi bị phát hiện thì phản xạ đầu tiên là bỏ chạy. Nếu không bỏ chạy được thì sẽ chống trả, các đối tượng đi trộm cắp hiện nay thường mang theo hung khí nguy hiểm. Nếu bị bắt có thể tấn công lại. Khi xử lý tình huống với kẻ gian đột nhập phải hết sức thận trọng, trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, thu thập càng nhiều dấu vết, thông tin của đối tượng để bắt giữ hoặc để cơ quan chức năng truy xét.
Việc bắt giữ đối tượng khi tương quan lực lượng không có lợi, khi chủ nhà không đủ sức, không ở lợi thế thì rất có thể sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vậy, kỹ năng xử lý tình huống trộm đột nhập là yếu tố sống còn để quyết định việc bắt trộm có an toàn hay không.
Trong các tình huống cần bình tĩnh, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Khi có điều kiện an toàn, người dân cần nhanh chóng liên hệ số điện thoại của Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc, đồng thời gọi điện thoại, hô hào huy động sức mạnh tập thể để tham gia ngăn chặn, khống chế, bắt giữ đối tượng.
Linh Nhi