Người dân Nghệ An thất thần trước đống bùn lầy sau lũ dữ

Người dân Nghệ An thất thần trước đống bùn lầy sau lũ dữ
một ngày trướcBài gốc
XEM VIDEO CLIP: NGƯỜI DÂN TRẮNG TAY TRỞ VỀ SAU LŨ DỮ
Lũ dữ càn quét khu phố thị sầm uất dọc Quốc lộ 7A
Thời điểm này, người dân vùng lũ Nghệ An đang nén lại đau thương, xót xa vì mất mát tài sản mà cơn lũ đã càn quét, để cùng các lực lượng khắc phục hậu quả, sớm trở lại cuộc sống đời thường.
Từ đêm 22/7, cơn lũ dữ từ xã biên giới Nậm Cắn giáp nước bạn Lào, vượt qua xã Kỳ Sơn (thị trấn Mường Xén cũ) rồi đổ bộ về ngã 3 sông Cửa Rào, xã Tương Dương (Nghệ An), dồn dập đổ vào khu dân cư dọc quốc lộ 7A từ nhiều hướng khác nhau - như một dòng sông hợp lưu hình thành từ thượng nguồn Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ hết công suất đã khiến dòng sông Nậm Mô bị tách làm nhiều nhánh, xé toang Quốc lộ 7A nơi có cư dân, công sở sinh sống sầm uất nhất khu vực miền Tây Nghệ An.
Dòng nước lũ nhấn chìm các thị trấn sầm uất dọc Quốc lộ 7A, Nghệ An.
Dòng nước hợp nhất ấy chảy mạnh ngoài sức tưởng tượng của người dân bản địa. Mọi người chỉ kịp cầm chiếc điện thoại, đồ vật nhỏ nhắn rồi theo thông báo đi lên khu vực sơ tán, tập trung trên đồi cao lánh nạn. Bỏ mặc phía sau - nơi tuyến đường quốc lộ bị nước trào lên trở thành dòng sông bức tử, tàn phá tài sản của người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ ở thị trấn từng được đặt tên là Hòa Bình.
Biển nước nơi ngã 3 sông hợp nhất ấy cũng khiến cho cả khu vực thị trấn Hòa Bình cũ như bị "quả bom nước" cuồn cuộn lướt qua. Nhà cửa của người dân nơi đây gần như bị ngập tới nóc.
Từ hình ảnh Flycam trên cao bay xuống, xót xa khi thấy hàng trăm mái nhà dân nhấp nhô, nhỏ bé trước dòng lũ dữ như "đại hồng thủy" nuốt gọn phố thị - xưa nay hiếm thấy bao giờ.
Bà Lô Thị May xót xa khi về nhà mọi tài sản bị cuốn trôi sau lũ dữ ở bản Xằng, xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An.
Dòng nước vô tình hợp nhất ấy, chảy thốc xuống càn quét các xã tiếp giáp thị trấn Con Cuông (nay là xã Con Cuông) cũng là nơi sầm uất bậc nhất ở khu vực tuyến Quốc lộ 7A. Đây là địa phương phải hứng chịu một lượng nước khổng lồ dâng lên bất ngờ từ thượng nguồn đổ về.
Không ai kịp trở tay, cả một khu vực rộng lớn bị chia cắt bởi dòng nước lũ hung dữ, ngầu đỏ.
Dòng sông Lam không còn hiền hòa như trong thơ ca, áng văn. Dòng sông ấy như bị bức tử, chắn ngang bởi hệ thống nhà máy thủy điện dày đặc tầng tầng, lớp lớp từ thượng nguồn đổ về.
Lòng hồ nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ nhìn từ trên cao. Ảnh: HL
Các nhà khí tượng thủy văn đã phải lên tiếng rằng, đây là hiện tượng thiên tai với xác suất thống kê 5.000 năm mới có một lần - quá khủng khiếp sức chịu đựng của con người trước thiên nhiên.
Theo thông báo khẩn của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An gửi các địa phương tối 22/7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra một lần).
Ánh mắt người dân vùng lũ trũng sâu buồn rười rượi vì mệt mỏi sau nhiều ngày vật lộn với bùn lầy và nước lũ ở Con Cuông. Ảnh: Văn Lang
Ngườ dân vùng lũ mệt mỏi, lấm lem bùn ánh mắt thất thần sau lũ dữ ở Con Cuông. Ảnh: Văn Lang
Ngày 23/7, người dân các xã Vĩnh Tường; Anh Sơn (huyện Anh Sơn cũ) ở vùng hạ du sông Lam cũng bị dòng nước đục ngầu dâng cao bất ngờ, nhấn chìm hàng trăm nhà dân, hoa màu, ruộng nước; gia súc gia cầm nhao nhác tháo chạy trong tuyệt vọng.
Mặc dù đã chủ động, sẵn sàng ứng phó từ trước nhưng người dân cũng bất lực nhìn dòng nước đục ngầu cuốn đi tất cả.
Người và gia cầm cùng chung một chiến thuyền ở xã Anh Sơn. Ảnh: Quốc Huy
Người lái đò Trần Văn Hạnh, tổ dân phố 1, xã Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) dẫn chúng tôi vào trung tâm ngập lụt - ông là người chèo thuyền suốt đêm giúp dân di dời đến nơi an toàn, ông chia sẻ: "Bản thân làm nghề chài lưới trên sông nhưng từ đêm qua đến nay gần như không nghỉ ngơi, dùng thuyền phục vụ bà con nhân dân trong xóm hàng chục chuyến đi lại. Mặc dù nhà tôi cũng bị ngập hoàn toàn. Tôi động viên bà con là còn người thì còn tất cả, mất tài sản chúng ta làm lại từ đầu".
Người dân xã Anh Sơn, Nghệ An đang nỗ lực gượng mình đứng dậy giữa trận lũ lụt kinh hoàng. Ảnh: Quốc Huy
Đó là tiếng lòng, là bản lĩnh của người lái đò trên sông Lam hàng ngày lướt nhẹ trên sông kiếm tôm cá mưu sinh mỗi ngày. Người lái đò ấy đã bất chấp hiểm nguy, tự cứu người, cứu vật và tài sản trong cơn lũ hoành hành. Ông Trần Văn Hạnh cũng đã nói hộ cùng tiếng lòng bà con nhân dân vùng lũ: "Của đi thay người. Còn con người là còn tất cả...".
Tất cả mọi người sẽ đồng cam cộng khổ, nỗ lực vượt khó, dựng xây lại từ đầu. Và, chúng tôi tin tưởng rằng, sự sống sẽ hồi sinh từ vũng bùn.
Ông Trần Văn Hạnh, tổ dân phố 1, xã Anh Sơn (tỉnh Nghệ An)
Lực lượng Đoàn thanh niên Công an Nghệ An đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại xã Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phan Toàn
Trần Quốc Huy
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-dan-nghe-an-that-than-truoc-dong-bun-lay-sau-lu-du-179250725133315703.htm