UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Theo kết quả lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ, đối với TP Cần Thơ, tổng số cử tri gần 296.800 người, hơn 290.000 cử tri tham gia lấy ý kiến, đạt 97,75%. Kết quả cho thấy 97,22% đồng ý và 0,53% người không đồng ý.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, tổng số cử tri gần 337.200 người; số cử tri tham gia lấy ý kiến hơn 330.700 người, đạt 98,09%. Trong đó, 96,8% người đồng ý và 1,28% người không đồng ý; có 20 phiếu không hợp lệ.
Tỉnh Hậu Giang, tổng số cử tri tham gia là gần 194.300 người; số cử tri tham gia lấy ý kiến là 193.851 người; tỷ lệ 99,77%. Kết quả 99,55% cử tri đồng ý ; 0,21% người không đồng ý.
Ý kiến khác của cử tri
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cử tri đề nghị HĐND, UBND TP kiến nghị đến Quốc hội điều chỉnh đường ranh giới giữa tỉnh An Giang và TP Cần Thơ, tại vị trí xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, diện tích 41,65 ha.
Theo chủ trương mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua "Thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ”. TP Cần Thơ trong tương lai có diện tích 6.400,83km2, quy mô dân số hơn 4 triệu người; 99 đơn vị hành chính trực thuộc - 30 phường, 69 xã.
Cử tri cho rằng, nội dung này đã đề nghị từ khoảng năm 1980 đến sau này nhưng chưa xử lý.
Vì vậy, lần điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước là điều kiện thuận lợi nhất để TP Cần Thơ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh đường ranh giới bất hợp lý giữa TP Cần Thơ và tỉnh An Giang.
Đồng thời cử tri cũng nêu ý kiến khi thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Cần Thơ "sẽ đi lại khó khăn”.
Cử tri Cần Thơ cũng đề nghị điều chỉnh với các nội dung như về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, về vị trí đặt trụ sở sau khi sắp xếp, tên gọi của phường mới.
Đồng thời, người dân còn lo ngại phải chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới; quá trình triển khai, thực hiện quá gấp, cử tri bị động về thời gian và tiếp cận thông tin.
Một số ít cử tri tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang bày tỏ không đồng ý việc sáp nhập vào TP Cần Thơ là do muốn ổn định, không muốn có sự xáo trộn khi thực hiện sáp nhập, đồng thời, khi có công việc cần lên cấp tỉnh để làm thủ tục hành chính phải đi rất xa.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ
TP Cần Thơ đã đưa ra giải pháp để thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ngoài việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Cần Thơ chú trọng đến việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp.
Chính quyền chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ liên quan đến thay đổi tên đơn vị hành chính theo quy định.
TP Cần Thơ trong tương lai có diện tích 6.400,83km2, quy mô dân số hơn 4 triệu người; 99 đơn vị hành chính trực thuộc. Ảnh: H.T
Giải pháp tiếp theo được đưa ra là gắn kết chặt chẽ việc sắp xếp đơn vị hành chính với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ.
Cụ thể là thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.
Những việc này sẽ giúp các cơ quan sau sắp xếp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức...
Hoài Thanh