Người dân ở vị trí trung tâm trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai: 'Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn phải thông'

Người dân ở vị trí trung tâm trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai: 'Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn phải thông'
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào 24-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi gắm đến Đồng Nai tinh thần “đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn phải thông” trong triển khai Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Và yếu tố cốt lõi nhất của Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là lấy người dân làm trung tâm và người dân sẽ thụ hưởng mọi thành quả trong phát triển.
Với sự chuẩn bị công phu và đầy nỗ lực kéo dài nhiều năm liền, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 chỉ rõ và phát huy những tiềm năng, lợi thế, quy hoạch tỉnh đã chọn 3 từ khóa quan trọng nhất định hướng cho cả mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, cho cả trước mắt lẫn lâu dài: kết nối - hội nhập - cất cánh.
Về cốt lõi, Đồng Nai đề ra mục tiêu trở thành trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2035, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm giao thương hàng đầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh đưa ra 5 nhiệm vụ đột phá để phát triển là khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và triển khai Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay; hoàn thành kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, y tế, giáo dục; chuyển đổi và xây dựng các khu công nghiệp xanh; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; đầu tư các chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: PHẠM TÙNG
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư tương đối bài bản, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có thêm hàng loạt “nhân tố” thúc đẩy phát triển mới như Sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc, vành đai. Chính vì vậy, thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá là địa phương “sở hữu” nhiều tiềm năng rất lớn để bứt tốc phát triển.
“Sân bay Long Thành hiện nay là một thời điểm cực kỳ đặc biệt đối với lựa chọn một tương lai phát triển cho Đồng Nai. Bởi, chỉ riêng một việc đặt Sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh thôi cũng đã là một cú hích mang tính thời đại đối với Việt Nam” - PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định.
Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh cho hay, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên các quan điểm xuyên suốt gồm: lấy người dân làm trung tâm; phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; hướng tới tương lai và bền vững.
“Trong đó, quan điểm lấy người dân làm trung tâm sẽ hướng đến các mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống, môi trường và phúc lợi xã hội” - ông Bùi Đào Thái Trường chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: PHẠM TÙNG
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới là trung tâm kinh tế cảng hàng không với Sân bay Long Thành làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong quá trình lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch của Đồng Nai đã nhiều lần gửi lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và nhân dân trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cũng như sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý các nội dung còn chồng chéo giữa các quy hoạch. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo chuyên đề tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp, hội, doanh nghiệp, lấy ý kiến cộng đồng dân cư…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, Quy hoạch tỉnh đã được chuẩn bị hơn 1 năm nay rất công phu và nỗ lực để làm sao chỉ rõ và phát huy hiết tiềm năng của tỉnh. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, để hiện thực hóa Quy hoạch, Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá".
"Một trọng tâm" là: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…).
"Hai tăng cường", gồm: tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường."Ba đột phá", gồm: đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ đã gửi gắm đến Đồng Nai: “đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn phải thông; quyết chí đồng tâm, vượt qua thách thức, ấm lòng nhân dân; thi đua với toàn vùng, không ngừng phấn đấu đi đầu tiên phong”.
Thủ tướng cũng khẳng định, vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Đô thị Long Thành sẽ là trung tâm của vùng động lực đô thị Sân bay Long Thành. Ảnh: PHẠM TÙNG
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đối với Đồng Nai, quy hoạch phải phát huy được tất cả những lợi thế cạnh tranh của mình so với các địa phương khác, phát huy được những thế mạnh của tỉnh trong phát triển trên cả tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
Trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh tạo động lực phát triển, trong đồ án Quy hoạch tỉnh cũng đã chỉ rõ 2 khu vực động lực phát triển mới của tỉnh đến năm 2030 gồm: khu vực đô thị Sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.
Đối với khu vực đô thị Sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Sân bay Long Thành. Trong đó, tại huyện Long Thành sẽ phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam sân bay; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam sân bay, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần Cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực động lực đô thị Sân bay Long Thành còn bao gồm quy hoạch phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Cảng biển Phước An, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Sân bay Long Thành với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Cùng với đó, phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Sân bay Long Thành trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ.
Đối với khu vực hành lang sông Đồng Nai, trong quy hoạch xác định lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Đồng thời, liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD (Transit Oriented Development: là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.
Khu vực động lực hành lang sông Đồng Nai được quy hoạch phát triển với 5 phân khu gồm: khu vực ven sông thuộc huyện Định Quán và Tân Phú; khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu; khu vực ven sông thuộc phía Bắc thành phố Biên Hòa; khu vực ven sông Nam Biên Hòa - Bắc Long Thành và khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, dự kiến trong tương lai, Sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những HUB (điểm kết nối chung) trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những dự án quốc gia lớn nhất hiện nay, khi đưa vào vận hành sẽ tạo động lực lớn cho tỉnh Đồng Nai và cả khu vực Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững. Quy hoạch của tỉnh Đồng Nai định hướng quy hoạch hình thành thành phố Sân bay Long Thành lấy Sân bay Long Thành làm trọng tâm cho việc phát triển.
“Qua đó, hình thành thành phố sân bay đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam, xứng tầm là cửa ngõ giao thương mới của cả khu vực châu Á” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, sông Đồng Nai có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế và cảnh quan đô thị. Vấn đề đặt ra phát triển, khai thác sao cho phù hợp, quá trình phát triển cần xác định sông Đồng Nai là tài sản thiên nhiên quý giá không chỉ cho địa phương mà cả vùng Đông Nam Bộ.
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/audio/202409/nguoi-dan-o-vi-tri-trung-tam-trong-quy-hoach-tinh-dong-nai-da-noi-la-lam-da-di-la-den-da-ban-phai-thong-483385b/