Bà H On Kẹo H'wing cảm ơn nhà nước đã quan tâm đưa nước sạch về cho bà con.
Khoảng 2 năm về trước, hầu hết người dân tại các buôn làng thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đều phải dùng nước mưa hoặc nước sông Sêrêpốk để sinh hoạt hằng ngày, chỉ một số ít gia đình có nước giếng khoan. Việc dùng nước sông sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân.
Đến cuối năm 2023, nhà máy nước sạch xã Krông Na được hoàn thành đưa vào sử dụng. Mục tiêu của công trình là cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân của xã Krông Na và một số xã lân cận của huyện Buôn Đôn.
Kể từ khi có nước sạch tới nay, người dân các buôn làng tại xã Krông Na rất vui mừng, phấn khởi vì được dùng nước sạch để ăn uống, sinh hoạt thoải mái, đặc biệt không còn lo thiếu nước như những năm trước đây.
Công trình nước sạch xã Krông Na. Ảnh: Hải Dương
Bà H On Kẹo H'wing ở buôn Trí (xã Krông Na) cho biết, gia đình bà đã dùng nước sạch được gần 2 năm nay, từ khi có nước sạch bản thân bà và gia đình cảm thấy rất an toàn, tự tin, không sợ hết nước trong mùa khô.
Bà H On Kẹo H'wing kể, trước đây khi chưa có nước sạch, hầu hết người dân ở xã Krông Na chủ yếu lấy nước mưa, nước sông để sinh hoạt, giặt giũ. Gia đình nào có điều kiện thì khoan giếng, còn nước để nấu ăn thì sử dụng nước bình tự mua. Những lúc mùa khô tới người dân rất khổ sở, phải đi lấy từng bình nước dưới sông về phục vụ sinh hoạt gia đình.
Vẫn theo bà H On Kẹo H'wing, hiện tại mỗi tháng gia đình bà chỉ dùng hết khoảng trên dưới 30 nghìn đồng tiền phí nước sạch, nguyên nhân hết ít tiền nước sạch một phần do nhà neo người. Đặc biệt nhà nước chỉ thu tiền của những gia đình nào dùng quá 5m3 trở lên, trong khi gia đình bà chỉ dùng quá số lượng này một ít.
"Người dân trong buôn rất cảm ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm tới đời sống bà con, nhờ sự quan tâm này nên chúng tôi mới có cuộc sống chất lượng hơn, không còn phải khổ sở ngày ngày đi lấy nước sông về dùng như trước đây", bà H On Kẹo H'wing nói.
Chị H Bun Chạy Rya (buôn Trí, xã Krông Na) vui mừng khi có nước sạch để dùng. Ảnh: Hải Dương
Còn anh Y Khăm Phúc (buôn Trí) cũng cho biết, trước khi chưa có nước sạch, người dân địa phương dùng nước sông, nước giếng tự đào để phục vụ sinh hoạt. Khoảng 10 năm trở lại đây, những gia đình sống cách xa sông, suối đã phải tự khoan giếng lấy nước dùng.
Theo lời anh Y Khăm Phúc, thời điểm hiện tại do các loại rác thải được đổ xuống sông Sêrêpốk rất nhiều, nếu không có nhà máy nước sạch, trong khi bà con phải dùng nước sông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống bà con.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nang Bun Sốm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, từ xưa tới nay bà con trong xã chủ yếu dùng nước sông sinh hoạt, còn nấu cơm họ dùng nước bình nên rất tốn kém, mỗi gia đình 1 tháng phải tốn vài trăm ngàn tiền nước bình để nấu ăn.
Cũng theo bà Nang Bun Sốm Lào, hiện có khoảng 65% hộ dân trên toàn xã đã có nước sạch sử dụng, còn lại số dân chưa sử dụng là do họ sống thưa thớt, nhánh xương cá. Đặc biệt có 145 hộ dân ở buôn Đrang Phốk cách trung tâm xã 18km nên việc kéo ống đưa nước sạch về cho bà con gặp rất nhiều khó khăn.
"Hiện tại nhiều người dân trong xã có điều kiện kinh tế đã đề nghị tự kéo ống nước sạch về dùng. Riêng những hộ khó khăn về kinh tế sẽ áp dụng chương trình 1719, mua bồn nước về trữ nước mưa. Tuy nhiên việc mua bồn là không bền vững. Chúng tôi rất mong muốn cấp trên quan tâm hơn nữa, tiếp tục đầu tư công trình nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bà con vùng sâu vùng xa", bà Nang Bun Sốm Lào nói.
Xã Krông Na được xác định là đơn vị hành chính cấp xã rộng nhất Việt Nam với diện tích 1.110 km2, hơn 7.000 nhân khẩu. Với diện tích này, xã Krông Na không những là đơn vị cấp xã rộng nhất Việt Nam mà còn rộng hơn diện tích của các tỉnh Bắc Ninh (822km2), Hà Nam (861km2), Hưng Yên (930km2).