Người đàn ông 37 tuổi thoát khỏi chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ nhờ làm việc này

Người đàn ông 37 tuổi thoát khỏi chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ nhờ làm việc này
3 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân Phong (37 tuổi) bị nghẹt mũi kèm ngủ ngáy kéo dài nhiều tháng nay. Đi khám tại địa phương, anh được kết luận viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, sau 1 tháng dùng thuốc, tình trạng vẫn không cải thiện, mức độ ngáy tăng, tiếng ngáy to hơn, ảnh hưởng tới người xung quanh. Anh phải dùng thuốc co mạch để giảm tình trạng nghẹt mũi và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi sau mỗi sáng thức dậy.
Sau khi đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội khám, PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ - Phụ trách chuyên môn Khoa Tai Mũi Họng đã khám và kết luận anh gặp tình trạng quá phát cuốn mũi, amidan quá phát, viêm hốc kèm tình trạng ngưng thở khi ngủ, dẫn tới ngủ ngáy. Phỏng đoán nguyên nhân viêm mũi dị ứng khiến cuốn mũi quá phát, gây ra tình trạng ngạt mũi kéo dài. Lượng khí hít vào bị cản trở dẫn tới tình trạng ngáy.
Ảnh minh họa
Anh Phong được tư vấn phẫu thuật kết hợp nội soi chỉnh hình cuốn mũi dưới, điều trị quá phát cuốn mũi, cắt amidan và chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà điều trị ngủ ngáy. Biện pháp mổ kết hợp 2 mục tiêu điều trị giúp người bệnh hạn chế phải thực hiện phẫu thuật nhiều lần, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
Ê kíp với sự tham gia của PGS Kỳ lần lượt thực hiện cắt amidan và chỉnh hình màn hầu lưỡi gà bằng công nghệ Coblator giúp cắt, đốt và cầm máu tại chỗ, hạn chế tổn thương mô lành. Sau đó, mổ cắt chỉnh hình cuốn mũi dưới qua nội soi, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và bảo tồn chức năng mũi xoang.
Anh Phong xuất viện sau hai ngày và tái khám sau 1 tháng, đường mổ lành tốt, tình trạng ngủ ngáy đã cải thiện đáng kể, không còn nghẹt mũi hay mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
Ngủ ngáy khi nào cần điều trị?
Nhiều người cho rằng ngủ ngáy không phải bệnh lý, là biểu hiện lành tính. Tuy nhiên, đây có thể là một dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn tới tình trạng thiếu oxy, kéo theo nhiều bệnh lý tim mạch như suy tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, tăng huyết áp, đột quỵ, gia tăng nguy cơ đột tử. Ở mức độ nhẹ, ngưng thở khi ngủ làm gián đoạn giấc ngủ, gây thiếu ngủ, không tỉnh táo, tăng nguy cơ tai nạn, khó tập trung…
Để cải thiện tình trạng ngủ ngáy, người bệnh nhẹ có thể bắt đầu điều trị bằng cách thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng ngáy bằng cách: Giảm cân, ngủ nghiêng, gối cao đầu... kết hợp dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh lý tai mũi họng gây hẹp tắc đường thở.
Với những bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ hoặc phẫu thuật chỉnh hình màn hầu - lưỡi gà (UPPP) để điều trị tình trạng ngáy và các biến chứng do ngưng thở khi ngủ gây nên.
M.H (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-37-tuoi-thoat-khoi-chung-ngu-ngay-ngung-tho-khi-ngu-nho-lam-viec-nay-172250119145611187.htm