Ê-kíp can thiệp đặt stent cho người bệnh. Ảnh: BVCC.
Ba, anh ruột và chị đều qua đời vì bệnh tim khi tuổi còn trẻ, ông N.V.T. (45 tuổi, ngụ Bình Thuận) hoang mang và lo sợ khi mình cũng được chẩn đoán mắc cùng căn bệnh tim mạch này.
Trước đó, sau 20 ngày đau và lạnh ở bụng với lưng không rõ nguyên nhân, anh quyết định Bình Thuận vào TP.HCM khám tổng quát. Khi tới bệnh viện, ông T. đã có tình trạng đau thượng vị và đau ngực trái kèm khó thở từng cơn, cơn đau tăng khi gắng sức.
Qua thăm khám lâm sàng, khai thác bệnh sử cùng các yếu tố lối sống như thói quen hút thuốc trong nhiều năm liền, bác sĩ Trần Tấn Việt, Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM chỉ định người bệnh thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để đánh giá chức năng tim mạch.
Khi có kết quả nghi ngờ tình trạng bệnh lý động mạch vành, ông T. được điều trị nội khoa. Tuy nhiên, kết quả bệnh nhân không đáp ứng. Để giải quyết triệt để bệnh, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định chụp, can thiệp động mạch vành dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa (DSA).
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị hẹp 30 % nhánh chéo D1 và có túi giả phình động mạch vành với kích thước 7,6 x 11,6 mm, không huyết khối tại đoạn gần nhánh động mạch mũ.
Bác sĩ Việt cho biết tình trạng có giả phình động mạch vành ở người bệnh rất dễ dẫn đến vỡ giả phình và gây tràn máu màng ngoài tim, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Chính vì vậy, bác sĩ đã tư vấn gia đình bệnh nhân và quyết định đặt một covered stent đoạn gần nhánh mũ chặm lỗ vào khối giả phình, giúp làm giảm nguy cơ vỡ giả phình trong tương lai cho bệnh nhân.
Sau can thiệp, bệnh nhân đỡ đau ngực, không còn khó thở và đã trở lại sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu cũng như tái khám định kỳ. Nếu chủ quan với những triệu chứng và mang tư tưởng dùng thuốc điều trị tại nhà là ổn, thì có lẽ bệnh nhân đã đối mặt với nguy hiểm.
Qua trường hợp của anh T., bác sĩ Việt khuyến cáo người dân về giả phình động mạch vành là bệnh lý hiếm gặp, có nguy cơ gây tràn máu màng ngoài tim đe dọa tính mạng nếu vỡ túi giả phình. Giả phình động mạch vành có thể phát hiện bằng các phương pháp như MSCT động mạch vành, chụp động mạch vành qua da dưới DSA.
Những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, hút thuốc lá thì nên tầm soát bệnh lý động mạch vành định kỳ, để sớm phát hiện cũng như can thiệp kịp thời hiệu quả.
Nguyễn Thuận