Anh T.V.T (Thoại Sơn, An Giang) và chị H.T.G nên nghĩa vợ chồng khi cả hai không nghề nghiệp, không tấc đất cắm dùi. Vì thế họ đã bàn bạc nhau đi bán vé số kiếm cơm qua ngày.
Ngày nào được mọi người ủng hộ, vợ chồng họ bán hết sạch tệp vé, dư ra được vài chục mua rau mua thịt. Còn ế quá họ sẽ xác định hôm đó uống nước lã đợi trời sáng đi bán tiếp.
"Chồng tôi hay bán ế lắm, tôi phải trả nợ thay nhiều lần hoặc bán cả đôi bông tai của mẹ lấy tiền trả cho đại lý. Anh ấy dù là trụ cột trong nhà nhưng đau ốm quanh năm nên mọi lo toan đều một tay tôi lo liệu", người phụ nữ nói.
Chị G thấy chồng bệnh tật nên xót xa, chấp nhận cáng đáng tất cả, bao gồm tiền thuốc men mỗi tháng vài triệu. Chị tranh thủ lúc còn khỏe miệt mài đi bán vé số với hi vọng được tờ nào hay tờ đó, chỉ cần không ế là có tiền.
Người đàn ông bán ế vé số đã trúng hàng tỷ đồng.
“Tôi cậy mình khỏe hơn người ta nên ngày nào cũng lấy 200 tờ rồi đi khắp huyện mời chào người mua. Bán hết vé, tôi lại tất tả quay trở về đại lí lấy hàng để ngày mai đi bán. Nhờ chăm chỉ nên tôi cũng tích cóp được kha khá tiền”, chị G nhớ lại.
Thấy vợ tần tảo sớm hôm, anh T gắng gượng dậy lấy hàng đi bán cho ra dáng trụ cột gia đình. Hôm ấy, anh ôm tập vé đi bán nhưng lại ngủ quên trong quán cà phê. Khi nghe tiếng đài phát thanh thông báo mở thưởng, anh giật mình tỉnh dậy, hốt hoảng chạy tới đại lý trả hàng nhưng đã quá giờ quy định.
Người đàn ông chán nản vì lâu lắm mới đi kiếm tiền phụ vợ đã xảy ra chuyện. Nhưng anh bất ngờ vỡ òa khi phát hiện trong tệp vé có tới 20 tờ trúng giải đặc biệt và 20 tờ giải an ủi của đài Cần Thơ.
“Ông ấy đã trúng số tiền lên tới chục tỷ đồng. Người ta ghen tị với tôi khi đổi đời trong chốc lát nhưng có ai biết chính may mắn này đã khiến gia đình tôi tan nát”, chị G xót xa.
Căn nhà mới chị G chuyển sang sau khi bỏ chồng.
Khi có tiền trong tay, anh T bắt đầu thay đổi bản tính. Anh suy nghĩ ích kỷ, muốn ôm trọn số tiền trúng số.
Hằng ngày, anh T đều hắt hủi chị G một cách không thương tiếc. Anh lấy mọi cớ để trách móc, xỉ vả miễn sao vợ thấy xấu hổ, nhục nhã mà ra khỏi nhà. “Nhờ mấy chục tờ vé số mà tôi nhận ra bộ mặt thật của ông ấy, bạc bẽo và không có tình người. Tiền trúng số là của chung nhưng tôi chưa bao giờ ngửa tay xin một đồng, vậy mà ông ấy cứ ngỡ tôi sẽ chiếm đoạt tất cả rồi hành xử như thế”, chị G tâm sự.
Không chịu được cảnh chồng hắt hủi vô cớ, chị G quyết định khăn gói bỏ về nhà đẻ. Ngày chị ra đi cũng là lúc gã chồng tệ bạc dắt người phụ nữ khác về nhà. Sau đó, hắn đập bỏ căn nhà cũ đi, xây một ngôi nhà khang trang và rộng lớn hơn.
Lúc này chị G uất ức không chịu được, quyết định đâm đơn ra tòa để được phân chia tài sản.
Ngày ra tòa, hai người chạm mặt nhau nhưng không ai nhìn mặt ai. Họ coi nhau còn không bằng người lạ, thậm chí hai gia đình còn xỉa xói nhau ngay tại đó.
Chị G và anh T chung sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không có hôn thú, vì thế hội đồng xét xử không công nhận là vợ chồng. Nhưng họ lại có tổ chức đám cưới và số tiền 1.4 tỷ đồng trúng số còn lại là tài sản có được trong thời gian chung sống nên tòa phán quyết anh T phải chia cho vợ cũ 20%, tức 280 triệu đồng. Lý do được tòa đưa ra là do anh T trực tiếp đi bán vé số, bị ế rồi trúng thưởng, còn chị G có ít công sức đóng góp.
Tuy nhiên, cả chị G lẫn anh T đều kháng cáo vì thấy không thỏa đáng. Sau đó khi được xét xử phúc phẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang lại tạm hoãn. Lúc đó, chị G quyết định không theo kiện nữa bởi có lấy số tiền đó cũng không nuốt trôi, đó là cơn ác mộng khủng khiếp cuộc đời chị.
Khai Tâm