Nam bệnh nhân 38 tuổi ở Bắc Ninh bất ngờ ngã gục xuống ghế tại nhà. Ảnh minh họa: Tmmagazine.
Các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết họ vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi ở Bắc Ninh bất ngờ ngã gục xuống ghế tại nhà.
Người thân chứng kiến đã nghĩ anh bị đột quỵ nên sơ cứu theo mẹo dân gian như bấm huyệt nhân trung, xoa ngực rồi nhanh chóng gọi xe đưa đi cấp cứu.
Khi nhập viện, tim bệnh nhân đã ngừng đập quá lâu, não tổn thương nặng, cơ hội sống rất thấp. Các bác sĩ cho biết nếu gia đình kiểm tra mạch và ép tim ngay tại nhà, bệnh nhân có thể đã có cơ hội sống cao hơn.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ cho hay khi phát hiện người gặp nạn rơi vào trạng thái ngất hay bất tỉnh, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn bằng cách đặt ngón tay nhẹ dưới gốc hàm để cảm nhận nhịp đập của động mạch cảnh.
Nếu vẫn còn mạch đập, nhiều khả năng bệnh nhân bị đột quỵ. Lúc này, việc quan trọng nhất là giữ nạn nhân nằm ở tư thế an toàn, duy trì thông thoáng đường thở, quan sát nhịp thở và nhanh chóng gọi cấp cứu. Tuyệt đối không được bế dậy, lắc mạnh người hay vỗ mặt nạn nhân vì có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngược lại, nếu không còn cảm nhận được mạch đập, bệnh nhân có khả năng đã rơi vào tình trạng đột tử. Trong trường hợp này, việc ép tim ngoài lồng ngực cần được tiến hành ngay lập tức, càng sớm càng tốt, không chờ xe cấp cứu tới mới bắt đầu.
Ép tim đúng cách sẽ giúp duy trì tuần hoàn tạm thời, tránh não bị tổn thương không hồi phục do thiếu oxy. Khi cấp cứu, người hỗ trợ cần tiếp tục ép tim cho tới khi có dấu hiệu mạch đập trở lại hoặc nhân viên y tế chuyên môn tiếp nhận.
Mỗi giây phút chậm trễ đều làm giảm đáng kể cơ hội cứu sống và hồi phục của người gặp nạn.
Phương Anh