Ngày 7-2, BS Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho hay vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (59 tuổi, ở TP HCM) nguy kịch sau khi tự uống thuốc trị bệnh tiểu đường không rõ nguồn gốc.
Túi thuốcđiều trị đái tháo đường của người bệnh hoàn toàn không có nhãn mác, thành phần và hàm lượng, nơi sản xuất và hạn sử dụng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, nhiễm acid máu nặng. Bệnh sử bệnh nhân mắc đái tháo đường và huyết áp đến nay 10 năm. Tuy nhiên, người bệnh tự mua thuốc tân dược và thuốc tễ không rõ nhãn mác, không tuân thủ điều trị đều đặn.
Vài ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng nôn ói, tiêu lỏng, sau đó tình trạng chuyển biến xấu, lơ mơ nên được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi lọc máu liên tục 48 giờ, bệnh nhân dần hồi phục, tỉnh táo, tình trạng acid máu và chức năng thận cải thiện. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sử dụng một túi thuốc tễ không nhãn mác.
"Sau khi kiểm tra, kết quả cho thấy trong các viên thuốc tễ này chứa phenformin, một hoạt chất đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970 vì nguy cơ gây ngộ độc nghiêm trọng như nhiễm acid máu và suy thận nặng" - BS Nhật thông tin.
Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng thuốc tễ tương tự.
"Việc tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những thuốc có chứa các chất cấm như phenformin có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí tử vong" -BS Nhật cảnh báo.
Đái tháo đường là một trong 4 bệnh mạn tính không lây nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu cùng với bệnh tim mạch, ung thư và hô hấp, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào chiến lược phòng ngừa và điều trị.
Theo khuyến cáo, điều trị đái tháo đường bằng thuốc viên tân dược (dân gian hay gọi là thuốc tây) và tiêm insulin (hóc môn hạ đường huyết) kết hợp với chế độ ăn tiết chế và tập luyện thể dục hợp lý được chứng minh giảm thiểu biến chứng và tăng chất lượng cuộc sống.
Hải Yến