Công tố viên đã yêu cầu 8 năm tù đối với Bernard Pallot, một giáo viên kỹ thuật đã nghỉ hưu không có tiền án, sau khi ông cố gắng giết vợ bằng cách tiêm xyanua vào đùi vợ hồi tháng 10/2021, sau đó siết cổ bà bằng dây cáp điện sau khi xyanua không có tác dụng.
Ông Bernard Pallot, 78 tuổi, sau khi được tha bổng vì giết người vợ bị bệnh nan y. (Ảnh: AFP)
Mặc dù, năm 2024, Pháp đã đưa dự luật quyền được chết ra tranh luận tại Quốc hội, nhưng trợ tử (an tử) - giúp một bệnh nhân bệnh nặng ra đi sớm và một cách nhẹ nhàng - vẫn là bất hợp pháp ở Pháp.
Công tố viên luận rằng, vợ của Bernard Pallot, bà Suzanne Pallot, bị "một căn bệnh nan y và nhiều lần gãy xương", nhưng các bác sĩ cho biết tình trạng của bà không "đe dọa đến tính mạng".
Công tố viên nói rằng, bị cáo có thể đã bào chữa cho những gì ông ta đã làm như một "hành động yêu thương", nhưng trợ tử là bất hợp pháp và hành động giúp vợ chết sớm của Bernard Pallot quá "tàn bạo".
Bernard Pallot nói với các nhà điều tra rằng, ông ta đã giết vợ mình để "giúp bà ấy thoát khỏi nỗi đau". "Phương pháp có vẻ… hơi man rợ", Pallot nói về việc sử dụng cáp điện khi xyanua không có tác dụng, "nhưng tôi không có lựa chọn nào khác".
Gần thi thể của bà Suzanne Pallot, cảnh sát đã tìm thấy một ghi chú: "Tôi, Suzanne Pallot, vẫn còn tỉnh táo, yêu cầu chồng tôi Bernard Pallot dứt khoát giải thoát cho tôi khỏi những đau khổ do căn bệnh không thể chữa khỏi mà tôi đang phải chịu đựng".
Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 3 nói rằng, Pháp cần một “đạo luật cuối đời” vì "có những tình huống bạn không thể chấp nhận một cách nhân đạo".
Quốc hội đã bắt đầu tranh luận về một dự luật hợp pháp hóa quyền được trợ tử vào đầu năm nay, nhưng Tổng thống Macron đã giải tán Quốc hội vào tháng 6 sau nhiều tháng bế tắc chính trị.
Một số quốc gia châu Âu khác đã hợp pháp hóa quyền trợ tử kể từ khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên thông qua luật này vào năm 2002, bao gồm Bỉ, Luxembourg, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ.
Trâm Anh