Theo VOV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về một ca tử vong trên địa bàn huyện Long Thành do chó dại cắn. Điều tra dịch tễ, nhà anh D.V.T. (31 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành) nuôi 5 con chó, toàn bộ chưa được tiêm phòng vaccine ngừa dại. Trong đó, một con chó con có triệu chứng bỏ ăn, ủ rủ.
Ngày 22/9/2024, ông Đ.V.M. cùng 2 người bạn đến nhà anh T. chơi. Tại đây, 3 người bị con chó con cắn vào chân nhưng không xử trí vết thương.
Hôm sau, do thấy vết thương sưng, đau nên anh D.V.H. (bạn ông M.) đã đến nhà thầy lang V.V.T. (ấp 7, xã Phước Bình) để “lấy nọc độc”.
Liên tiếp những ngày sau đó, 4 con chó con có dấu hiệu bất thường và lần lượt chết.
Đến ngày 4/1/2025, ông M. có triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các triệu chứng ngày càng tăng dần.
Ảnh minh họa.
Ba ngày sau, bệnh nhân đến phòng khám trên địa bàn huyện điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, được bác sĩ chỉ định nhập viện.
Tuy nhiên, bệnh nhân không chấp nhận và xin về. Sau đó, gia đình đưa ông M. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị. Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, bác sĩ chỉ định theo dõi bệnh dại phân biệt, viêm màng não.
Sáng ngày 9/1, bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở, tử vong trong cơn kích động.
Ngày 13/1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trả kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.
Theo CDC Đồng Nai, đến hiện tại ghi nhận có 5 người bị chó mắc dại cắn. Ngoài 1 người đã tử vong và 1 người khác đã tiêm đủ 5 mũi vaccine phòng dại, 3 người khác chưa xử trí vết thương. Ngày 8/1, cả 3 người được tiêm 1 mũi vaccine phòng dại và chưa ghi nhận triệu chứng bất thường.
BSCKI. Dương Ngọc Hưng, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc chia sẻ trên báo đại biểu nhân dân rằng, một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại.
Khi bệnh dại đã lên cơn, tỷ lệ tử vong là 100%. Trong đó, thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Qua đó, BSCKI. Dương Ngọc Hưng hướng dẫn cách sơ cứu khi bị cho mèo cắn dưới đây như sau:
Khi bị chó mèo cắn, cần rửa sạch vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút.
Trường hợp nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong vòng 15 phút và rửa kỹ vết thương với cồn 70 độ.
Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương.
Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc nam để điều trị.
Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị thích hợp.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh chó mèo cắn, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.
Bình Nguyên (tổng hợp)