Người dân tất bật sửa soạn lễ rằm tháng Giêng

Người dân tất bật sửa soạn lễ rằm tháng Giêng
9 giờ trướcBài gốc
Ghi nhận tại các chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh, từ chiều 10/2 (tức 13/1 âm lịch), lượng khách đến mua sắm đồ để làm lễ cúng trong ngày rằm tháng Giêng đã đông đúc. Trong sáng ngày 14 âm lịch, sức mua đạt cao hơn.
So với dịp tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng đã “hạ nhiệt” hơn. Giá các loại hoa quả tươi giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với dịp tết. Theo đó, hiện nay xoài 30 – 35.000 đồng/kg; cam bù 40 – 50.000 đồng/kg; dưa lưới vàng 50.000 đồng/kg; thanh long đỏ 40.000 đồng/kg…
Chuối thắp hương có giá rẻ hơn so với dịp tết song vẫn khá cao. Tùy theo độ đẹp, giá chuối trung bình và phổ biến từ 30 – 150.000 đồng/nải.
Bà Trương Thị Hương – tiểu thương bán hoa quả chợ tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Để phục vụ nhu cầu ngày rằm, tôi đã nhập về đa dạng các loại quả với số lượng nhiều hơn ngày thường, mẫu mã đẹp. Dịp này, khách hàng ai cũng cẩn thận lựa chọn quả đẹp, tươi, có cuống lá để dâng lễ vì theo quan niệm dân gian "cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".
Cỗ hoa quả làm sẵn với tính thẩm mỹ cao được nhiều gia đình lựa chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên hay đi lễ rằm ở nhà thờ họ. Mỗi cỗ quả được kết từ hoa cúc và các loại quả như chuối, thanh long, cam, dưa lưới, táo…
Chị Trần Thị Huế - chủ cửa hàng hoa quả tươi Green Garden (đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dịp lễ rằm tháng Giêng, trung bình mỗi ngày chúng tôi bán 100 – 150 cỗ hoa quả cúng. Mỗi cỗ hoa quả có giá trung bình từ 200.000 – hơn 1 triệu đồng nhưng mức phổ biến nhất là 500 -700.000 đồng, cỗ chỉ riêng hoa giá từ 200.000 đồng trở lên. Dịp lễ này, chủ yếu khách hàng đặt lễ đi nhà thờ nên lượng khách tập trung đông nhất sẽ là sáng 14 và 15 âm lịch”.
Các quầy hàng kinh doanh lễ vật cúng như cau trầu, vàng mã, hoa tươi… cũng tấp nập khách chọn mua.
Giá hoa tươi thời điểm này tương đương với dịp tết, hoa cúc 7.000 -8.000 đồng/bông, hoa huệ, lay ơn 10.000 đồng/bông.
Nhu cầu mua gà cúng tăng cao nên dịp này, các xe bán gà lưu động cũng xuất hiện nhiều hơn ngày thường. Gà có hình thức đẹp với lông mượt, đỏ, đuôi dài, mào to được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với các lễ vật truyền thống, các loại bánh được chế biến, bày biện trang trí đẹp mắt như bánh bao quả đào, bánh bao hoa sen, bánh trôi sen, bánh su sê… được nhiều người chọn mua cho lễ cúng rằm tháng Giêng. Giá các mặt hàng này dao động từ 60.000 – 150.000 đồng/set.
Bên cạnh chợ truyền thống, hoạt động mua bán lễ vật ngày rằm trên “chợ mạng” cũng diễn ra nhộn nhịp bởi dịch vụ đặt cỗ cúng đa dạng từ đặt trọn gói những mâm cỗ truyền thống cho đến các món lẻ theo yêu cầu như xôi, chè, cỗ xôi gà, bánh…
Chị Lê Phương (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới, đây cũng là một trong hai dịp rằm quan trọng trong năm nên gia đình tôi rất chú trọng. Ngoài các lễ vật dâng cúng gia tiên tại nhà, tôi còn mua sắm các lễ vật thắp hương ở nhà thờ họ nên tôi thường mua từ chiều 13 âm lịch. Một số đồ lễ khác cần cầu kỳ hơn thì tôi đã đặt hàng làm sẵn”.
Hoạt động tế, lễ ngày rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt. Do vậy mà lễ cúng cho ngày rằm tháng Giêng được các gia đình chuẩn bị chu đáo, cẩn thẩn, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và cầu mong một năm đầy bình an, may mắn, hạnh phúc.
Khánh Ngọc
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/nguoi-dan-tat-bat-sua-soan-le-ram-thang-gieng-post282545.html