Những món ăn độc đáo
Di cư từ các tỉnh miền Bắc vào Đắk Lắk, đồng bào dân tộc Thái không chỉ mang theo ký ức về một miền quê sương phủ, núi đồi trập trùng, mà còn gìn giữ nguyên vẹn tinh hoa ẩm thực của núi rừng Tây Bắc.
Trong kho tàng ẩm thực của người Thái, thịt trâu và thịt bò gác bếp là những món đặc sản tiêu biểu không thể không nhắc đến. Đây không chỉ là món ăn mang đậm hương vị núi rừng mà còn gắn liền với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Thái qua bao thế hệ.
Thịt trâu, thịt bò gác bếp - món đặc sản của người dân tộc Thái.
Chị Lù Thị Lương (SN 1986, trú tại thôn 1, xã Hòa Phú Tp.Buôn Ma Thuột) cho hay: "Ngày xưa, ông bà mình không có tủ lạnh, nên mỗi lần mổ trâu, mổ bò thì phải tìm cách bảo quản. Người Thái nghĩ ra cách gác bếp – vừa để giữ được lâu, vừa thêm vị khói đặc trưng của món ăn".
Thịt bò, thịt trâu sau khi được làm sạch, để ráo sẽ được thái thành từng miếng dài, rồi tẩm ướp với mắc khén, hạt dổi giã nhuyễn cùng các loại gia vị truyền thống trong khoảng thời gian 30 phút. Sau đó, thịt sẽ được treo lên gác bếp, phía dưới dùng củi cà phê đốt để cho khói bốc lên và thấm vào từng thớ thịt. Sau khoảng 3 ngày, thịt đủ độ khô sẽ được mang xuống bảo quản, trước khi ăn chỉ cần nướng lại là có thể thưởng thức.
Bên cạnh đó, xôi tím của người Thái cũng tạo ấn tượng đặc biệt bởi màu sắc đẹp mắt từ một loại cây rừng. Nguyên liệu chính để nấu xôi tím là nếp nương – loại nếp trỉa trên đồi cao, thơm dẻo và được người Thái lấy từ tỉnh Sơn La đưa vào. Ngoài ra, lá cẩm sau khi hái về, được rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi cho đến khi sánh lại, tạo thành màu tím tươi.
Món xôi tím của người Thái tạo ấn tượng đặc biệt bởi màu sắc đẹp tự nhiên.
Khâu chế biến xôi tím cũng đòi hỏi sự kỳ công và tinh tế. Gạo nếp sau khi đãi sạch sẽ được ngâm với nước lá cẩm đã để nguội trong khoảng thời gian từ 10-12 tiếng đồng hồ, giúp hạt gạo thấm đều màu. Lúc này, gạo được vớt ra để ráo rồi cho vào chõ gỗ đặt lên bếp lửa để đồ xôi. Xôi tím có màu đậm hay nhạt, phụ thuộc vào nước lá cẩm đặc hay loãng và kinh nghiệm đồ xôi của mỗi người.
Món gà nướng của người Thái cũng là một nét ẩm thực hấp dẫn, khiến thực khách khó lòng cưỡng lại. Gà sau khi làm sạch được tẩm ướp cùng mắc khén, hạt dổi, lá chanh và các gia vị khác khoảng 30 phút đến một tiếng. Sau đó, gà được đặt lên bếp than hồng để nướng. Để thịt chín đều mà không bị cháy xém, người nướng phải điều chỉnh ngọn lửa ở mức vừa phải và trở đều tay khoảng 30 phút một lần.
Chị Lù Thị Lương nói về những món ăn truyền thống của người dân tộc Thái.
Món gà nướng cũng là một nét ẩm thực hấp dẫn.
Chưa hết, người Thái còn sáng tạo ra món muối chấm độc đáo mang tên chẩm chéo, làm tăng thêm hương vị đậm đà cho món ăn. Chẩm chéo được chế biến từ ớt đỏ phơi khô trong 7 đến 10 ngày, sau đó rang thơm và giã hoặc xay nhuyễn cùng mắc khén, hạt dổi, lá chanh thái nhỏ, muối và bột ngọt. Tất cả hòa quyện tạo nên một hỗn hợp sền sệt, cay nồng và dậy mùi hương. Vị chẩm chéo mộc mạc nhưng đậm đà, đủ sức đánh thức mọi giác quan và làm bừng lên hương vị của bất kỳ món ăn nào được chấm cùng.
Không chỉ sử dụng trong bữa ăn gia đình hay góp mặt trong các mâm cỗ truyền thống, nhiều năm nay, gia đình chị Lương còn mang những món ăn đặc sản của dân tộc mình tham gia trưng bày và giới thiệu tại các sự kiện văn hóa, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Nhờ hương vị độc đáo và đậm đà bản sắc, các món ăn của gia đình chị đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của thực khách. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nét văn hóa tiêu biểu của người Thái
Bên cạnh kho tàng ẩm thực phong phú, đồng bào dân tộc Thái ở xã Hòa Phú (Tp.Buôn Ma Thuột) còn gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà cha ông để lại. Bà Lò Thị Thanh Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1 chia sẻ nói: "Gia đình tôi di cư từ tỉnh Sơn La vào Đắk Lắk từ năm 1954. Dù trải qua bao thăng trầm trên vùng đất đỏ bazan, chúng tôi chưa bao giờ quên đi cội nguồn và bản sắc dân tộc. Cộng đồng người Thái nơi đây luôn nhắc nhở nhau giữ gìn phong tục tập quán, trao truyền từ đời này sang đời khác".
Một trong những nét văn hóa tiêu biểu của người Thái chính là chiếc khăn piêu. Khăn piêu được dệt và thêu hoa văn bằng tay, thường xuất hiện trong những điệu múa xòe uyển chuyển, làm say đắm lòng người.
Đồng bào dân tộc Thái ở xã Hòa Phú còn gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Trải qua bao thăng trầm, những điều múa xòe vẫn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ Thái và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi sinh hoạt văn hóa truyền thống. Với những giá tị ấy, cuối năm 2021 "Nghệ thuật xòe Thái" đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một điểm nhấn khác trong văn hóa Thái là nghi lễ tẳng cẩu (hay còn gọi là búi tóc trên đỉnh đầu). Theo phong tục của người Thái (ngành Thái đen), những cô gái khi đã lập gia đình thì buộc phải bới tóc lên đỉnh đầu (người ta gọi đó là tẳng cẩu). "Tẳng cẩu là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã có chồng. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Thái (đen). Lễ tẳng cầu được thực hiện khi người con gái trưởng thành và đi lấy chồng. Nghi lễ được thực hiện tại nhà gái trước khi nhà trai đến đón dâu", bà Nga chia sẻ.
Sau khi người phụ nữ đã tẳng cẩu thì không được thả tóc xuống, kể cả trong sinh hoạt hằng ngày hay lúc đi ngủ. Bởi theo quan niệm của người Thái, hành động ấy bị xem là không tôn trọng gia đình chồng và thể hiện sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng.
Những người phụ nữ Thái dịu dàng bên chiếc khăn piêu.
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái cũng như các dân tộc khác đang sinh sống trên địa bàn, hằng năm, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đều tổ chức các hoạt động giới thiệu và trải nghiệm văn hóa trong dịp lễ, hội. Qua đó, không chỉ thu hút đông đảo khách thăm quan mà còn tạo cơ hội để du khách tìm hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc tại Đắk Lắk.
Ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa khác nhau. Chúng tôi luôn mong muốn bảo tồn tất cả truyền thống văn hóa của các dân tộc này để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước".
Búi tóc trên đỉnh đầu của người phụ nữ Thái đã có chồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú thông tin, hiện trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân tộc Thái sinh sống, với tổng số nhân khẩu khoảng 2.000 người. Dù đã xa quê hương đã lâu, cộng đồng người Thái nơi đây vẫn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền cho người dân không ngừng phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Khánh Ngọc