Vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình trồng đào tại thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên vẫn cần mẫn chăm sóc cho những gốc đào còn sót lại. Với một số vườn đào may mắn nằm trên nơi đất cao không bị ảnh hưởng, người dân đã tranh thủ tuốt lá, tỉa cành, chăm sóc cẩn thận để cây có thể ra hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những vườn đào ở nơi đất thấp, từng bị vùi lấp bởi phù sa sau lũ.
Người dân tranh thủ tuốt lá, tỉa cành, chăm sóc cẩn thận để cây có thể ra hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán. Ảnh: Quỳnh Mai.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Nguyễn Đức Chiến, 23 tuổi, chủ vườn đào Hiệp Huệ (thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên) cho biết, vườn đào của gia đình anh đã có từ cách đây 30 năm. Những cây đào được trồng và chăm sóc trực tiếp bằng đôi bàn tay của ông bà, rồi đến bố mẹ và vài năm gần đây thì anh là người đảm nhận công việc này. Vài tháng gần đây, nhìn những gốc đào dần chết khô sau lũ, lòng anh không khỏi xót xa.
"Vườn nhà tôi mất khoảng 50% số lượng đào, thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Riêng vườn dưới gia đình tôi mất khoảng hơn 200 cây to. Nhìn những gốc đào to cứ dần dần chết khô tôi thấy chua xót nhưng cũng đành bó tay, không có cách nào để cứu chúng", anh Chiến ngậm ngùi.
Cũng theo anh Chiến, không chỉ riêng gia đình anh, nhiều gia đình trồng đào tại Yên Bái năm nay cũng bị "mất mùa" do ảnh hưởng của nước lũ. Chính bởi vậy giá đào sẽ nhỉnh hơn mọi năm.
Nhiều gốc đào chết khô sau lũ. Ảnh: Quỳnh Mai.
"Riêng tại gia đình tôi thì giá đào cho thuê sẽ rơi vào khoảng từ 1 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng tùy cây. Thông thường, những cây đào lâu năm, gốc lớn sẽ có giá cao, khoảng từ 3 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/cây", anh Chiến cho hay.
Anh Chiến cũng cho biết, đây là lần thứ 2 vườn đào của gia đình anh chịu thiệt hại nặng nề như vậy. Lần thứ nhất là do trận bão lịch sử vào năm 2008.
Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Kim Sa (ở thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên) chia sẻ, chưa bao giờ gia đình bà gặp tình trạng cây chết do ngập nước như thế. Sau lũ, cây vẫn xanh tốt, nhiều gia đình ra khoanh gốc, bới đất để lưu thông nước, làm tơi đất giúp rễ cây tiêu thoát, với hy vọng cây có thể sống tốt, tuy nhiên, sau chừng nửa tháng lá cây rụng dần, các cành non khô héo, rồi cây cứ chết dần…
Theo bà Sa, những gốc đào bị chết của gia đình bà là loại từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng/gốc. Cả gia đình bà đều trông chờ vào nghề trồng đào, hàng năm thu về mỗi đợt Tết từ 200 - 400 triệu đồng.
Bà Sa chua xót khi phải tận tay nhổ đi những gốc đào đang chất dần. Ảnh: Quỳnh Mai.
"Sau cơn lũ, quá nửa số gốc đào chết hết, giờ cả nhà không biết trông chờ vào đâu. Uớc tính thiệt hại cũng vào khoảng 200 - 300 triệu đồng. Nếu bây giờ trồng mới không biết đất có thích hợp nữa không, chưa kể thời gian trồng đến lúc ra hoa cũng mất vài năm, như vậy gia đình tôi sẽ mất vài năm để ổn định kinh tế, vài năm đó chưa biết sống như thế nào ", bà Sa buồn rầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch xã Giới Phiên cho hay, sau đợt mưa lũ, địa phương đã kiểm kê, hỗ trợ đối với những gia đình bị thiệt hại; đồng thời cử cán bộ khuyến nông vào hướng dẫn người dân chăm sóc nhằm cứu những gốc đào chưa bị thối rễ, khô lá.
Đối với những vườn có diện tích lớn bị chết, địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất, trồng các loại cây ngắn ngày để khôi phục đất, trồng xen các gốc đào để chuẩn bị cho các vụ sau.
Quỳnh Mai