Người dành cả tấm lòng theo đuổi đam mê sưu tầm ảnh Bác Hồ

Người dành cả tấm lòng theo đuổi đam mê sưu tầm ảnh Bác Hồ
6 giờ trướcBài gốc
Trong kịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về xóm Thọ Đường (xã Đại Yên huyện Chương Mỹ) để được gặp ông Trần Văn Cao, năm nay đang ở tuổi 90 tuổi, ông đã dành nhiều năm sưu tầm và trưng bày hàng trăm bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.
Tiếp chúng tôi trong phòng khách trên tầng 3 của gia đình, nơi có hơn 20 bức ảnh được phóng to và treo trang trọng, cùng hàng trăm bức ảnh khác về Bác Hồ, ông Trần Thọ Cao tự hào cho biết, những bức ảnh được đóng khung do các cụ nhà ông để lại từ gần 70 năm nay; nhiều năm trôi qua, không những giữ gìn những bức ảnh do cha anh để lại như báu vật. Ông Cao còn tích cực sưu tầm hàng trăm bức ảnh về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu; những hình ảnh của Bác được ông Cao sắp xếp theo trình tự, từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi Người qua đời.
Ông Trần Văn Cao tiếp khách tới thăm phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 16/9/2025.
Câu chuyện sưu tập ảnh Bác Hồ của ông bắt nguồn từ năm 1964, khi ông đang còn là một thực tập sinh tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Năm đó, Bác về thăm Khu gang thép, được gặp Bác và nghe những lời giáo huấn của Bác với cán bộ, công nhân khu gang thép về tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp… Hình ảnh của Bác luôn được ông khắc ghi trong lòng, theo ông Trần Văn Cao suốt cuộc đời để trong hoàn cảnh nào ông cũng cố gắng học tập theo Bác và nung nấu ước mơ sưu tầm ảnh Bác ghi dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cho thế hệ mai sau.
Không chỉ sưu tầm hình ảnh Bác Hồ, bóng dáng Cha già kính yêu của dân tộc luôn thường trực trong tâm trí, nên ông Cao còn làm thơ về Người. Ông chia sẻ, bất kể lúc nào, khi có cảm hứng là ông lại làm thơ về Bác, làm được đoạn nào ông đọc đi, đọc lại cho thuộc lòng rồi chép vào sổ. Cứ thế, trong suốt gần 10 năm, ông đã cho ra đời bản “sử ca” gồm 1.456 câu lục bát về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người rời bến nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911), đến những năm tháng cuối đời.
Một điều nữa khiến chúng tôi khâm phục nơi ông, là dù đã 90 tuổi, nhưng ông Cao vẫn đọc rành mạch toàn bộ 1.456 câu lục bát về Bác Hồ, không nhầm lẫn, không hề vấp. Đơn cử: “Thanh cao lý tưởng Bác Hồ. Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam. Lời nói cũng như việc làm. Con người phúc hậu dân càng mến thương. Tài năng đức độ phi thường. Giúp dân cứu nước chặng đường chông gai…”.
Ông Trần Văn Cao "khoe" tấm Bằng khen "Người tốt, việc tốt" đã được trao tặng.
Nói về công việc của mình, ông Cao cho biết, ngoài những tấm ảnh do gia đình để lại, trong nhiều năm trời, đi đến đâu ông cũng để ý quan sát ảnh Bác Hồ, nếu có là ông tìm mọi cách sưu tầm. Dần dần, bất kỳ lúc nào có thời gian, ông lại tìm đọc báo, xem trên internet để sưu tầm ảnh và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Mỗi bức ảnh sưu tầm được, ông đều tìm hiểu rõ nội dung, thời gian, ý nghĩa của sự kiện và chú thích rõ ràng. Mỗi khi có người vào thăm quan, ông lại say sưa giới thiệu, thuyết minh từng bức ảnh như một nhân viên bảo tàng thực thụ.
Nói về bản thân, ông Cao cho biết, ông từng công tác tại Bộ Thủy Lợi, rồi Sở Thủy lợi Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội và có một thời gian tình nguyện sang giúp nước bạn Lào. Cá nhân ông đã được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương hữu nghị của Lào, Bằng khen của Bộ Thủy Lợi, Bằng khen “Người tốt, việc tốt”. Gia đình ông được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho kháng chiến chống Mỹ…
Lật giở cuốn “Nhật ký Nhà lưu niệm Bác Hồ” của ông Cao, chúng tôi nhận thấy, đã có hàng trăm đoàn (học sinh, sinh viên), ghé thăm và ghi lại cảm xúc. Cuốn sổ dày hàng trăm trang chỉ vài mươi trang trống, phần còn lại đã dày đặc những dòng lưu bút của cả trăm người…
Nhật ký Nhà lưu niệm Bác Hồ của ông Trần Văn Cao.
Trước lúc chia tay, khi chúng tôi đề cập về nguyện vọng cá nhân, ông Cao cho biết: “Năm nay tôi đã 90 tuổi, chẳng biết còn sống được bao lâu để trông coi phòng trưng bày này. Nguyện vọng của tôi là được chuyển toàn bộ tư liệu ảnh Bác về cho chính quyền xã Đại Yên và ngành văn hóa Chương Mỹ quản lý, để có điều kiện tốt hơn trong việc gìn giữ tư liệu về Bác, để làm tư liệu, kỷ niệm cho các con cháu thế hệ sau này”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Yên Nguyễn Thị Nga cho biết: "nếu cụ Cao có nhã ý chuyển giao, UBND xã Đai Yên sẵn sàng tiếp nhận, vì địa phương đã có nhà truyền thống được xây dựng khang trang, đủ điều kiện để tiếp nhận, lưu giữ và trưng bày tư liệu, hình ảnh về Bác kính yêu".
Trần Thụ
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nguoi-danh-ca-tam-long-theo-duoi-dam-me-suu-tam-anh-bac-ho.706061.html