Anh Nguyễn Thành Công đang làm mỳ tươi trước khi đưa vào chế biến.
Từ một đầu bếp từng làm việc tại những nhà hàng danh tiếng trên thế giới, anh Nguyễn Thành Công (biệt danh Cyrus Nguyễn) đã chọn trở về Việt Nam, xây dựng một không gian ẩm thực mới, dung hòa giữa tinh hoa quốc tế và hương vị quen thuộc của món ăn bình dân.
Nguyễn Thành Công, SN 1984 tại TP Hồ Chí Minh, từng theo học ngành tài chính tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nhận ra rằng lĩnh vực quản trị kinh doanh không phải là nơi thuộc về mình. Những kỷ niệm làm thêm tại một nhà hàng Nhật Bản thời sinh viên đã khơi lại niềm đam mê ẩm thực, thôi thúc anh từ bỏ công việc ổn định để bước vào con đường làm bếp.
Anh theo học tại Le Cordon Bleu và tốt nghiệp với bằng Grand Diplôme, trước khi đảm nhận vai trò junior chef tại nhà hàng 3 sao Michelin Per Se, New York. Từ đó, Nguyễn Thành Công tiếp tục hành trình khám phá nền ẩm thực thế giới, làm việc tại nhiều nhà hàng danh tiếng ở Mỹ, từ New York đến Beverly Hills.
Ngoài ra, anh cũng từng đảm nhiệm các vai trò như Line cook tại Craft New York, sous chef (bếp phó) tại Three Forks Chophouse và Chocolatier tại Madame Chocolate Beverly Hills. Mỗi bước đi trong hành trình này đều giúp anh tích lũy thêm kiến thức và trải nghiệm quý giá về ẩm thực toàn cầu.
Được biết, Le Cordon Bleu là một trong những học viện ẩm thực danh tiếng nhất thế giới, chuyên đào tạo các kỹ thuật nấu ăn và làm bánh theo phong cách Pháp cổ điển. Bằng Grand Diplôme là chứng chỉ cao quý nhất của Le Cordon Bleu, kết hợp giữa chương trình Diplôme de Cuisine và Diplôme de Pâtisserie, cung cấp cho học viên kiến thức toàn diện về ẩm thực và nghệ thuật làm bánh.
Mỳ trộn tưởng chừng như là một món ăn rất bình dân nhưng đã được nâng tầm hơn.
Năm 2014, Nguyễn Thành Công trở về Việt Nam. Ban đầu, đó chỉ là một chuyến đi chơi, nhưng dần dà anh tìm thấy cảm hứng để sáng tạo. Với kinh nghiệm quốc tế, anh thành lập một thương hiệu chocolate thủ công, được đánh giá cao trong giới chuyên môn. Dù vậy, hành trình này chỉ là một dấu mốc ngắn, bởi anh nhanh chóng quay trở lại với lĩnh vực món mặn – sở trường được đào tạo bài bản.
Cùng những cộng sự có chung chí hướng, Nguyễn Thành Công mở một không gian ẩm thực mới mang tên Ember Noodle Bar tại trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, anh đã đưa ra một khái niệm mới cho món mỳ trộn, kết hợp giữa sự tiện lợi của món ăn bình dân với tinh thần sáng tạo của một đầu bếp chuyên nghiệp.
Anh nguyễn Thành Công cho biết: “Nhiều người cũng thắc mắc không hiểu tại sao từ một đầu bếp nhà hàng cao cấp, tôi lại đi làm mỳ trộn, bán mỳ trộn, và tới đây không chỉ bán tại chỗ mà còn bán mang về, giống kiểu dành cho những món ăn nhanh và rất bình dân. Tôi đã từng làm việc ở những nhà hàng sang trọng nhưng chưa bao giờ đề cao tính cầu kỳ. Tôi thích sự đơn giản và đi vào trọng tâm".
Quán mỳ của anh Công không đơn thuần chỉ là nơi phục vụ món ăn, mà còn mang đến trải nghiệm ẩm thực gần gũi và tinh tế. Trên thực tế, xu hướng hướng xóa nhòa khoảng cách giữa thực khách và đầu bếp trong ẩm thực tinh hoa đang được yêu chuộng. Bữa ăn không dừng lại ở việc ăn, mà trở thành một show diễn đáng nhớ, một cuộc trò chuyện vui vẻ giữa người nấu nướng và thực khách.
Tại nhiều nhà hàng, phương pháp trình diễn nấu nướng trực tiếp đã trở thành quen thuộc và được nhiều thực khách yêu thích. Theo đó, các thực khách ngồi ngay tại quầy bar khu vực gần bếp nấu, chiêm ngưỡng quá trình nấu nướng, chờ đợi món ăn thành hình. Việc này khiến tâm lý háo hức, mong chờ món ăn của thực khách được đẩy lên cao hơn, tạo sự giao tiếp, kết nối nhiều hơn giữa đầu bếp và thực khách. Chờ đợi cũng là một phần của nấu ăn.
Theo chia sẻ của Nguyễn Thành Công, sợi mỳ tại đây là mỳ tươi làm tay tại chỗ, được chế biến đặc biệt để giữ được độ dai, giòn trong nhiều giờ, đáp ứng nhu cầu ăn tại chỗ và mang đi. Nước sốt – yếu tố quyết định hương vị món ăn – được anh nghiên cứu kỹ lưỡng, để vừa giữ được nét riêng vừa dễ dàng chinh phục khẩu vị thực khách đa dạng.
“Mỗi vùng miền có cách chế biến nước sốt riêng, và điều này đôi khi tạo ra thách thức lớn khi làm mỳ trộn. Tôi muốn nước sốt của mình không chỉ phù hợp với người Việt mà còn tạo cảm giác thân quen cho thực khách quốc tế” - anh Công chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, thực khách có thể tự chọn protein ăn kèm, từ thịt bò, gà, heo đến các loại hải sản hoặc rau củ, tạo nên sự linh hoạt mà không mất đi nét đặc trưng của món ăn. "Chiều tan sở, không muốn nấu nướng, các chị em có thể ghé nhà hàng mua mỳ về, chỉ với thao tác làm nóng lại, thậm chí không cần làm nóng, vẫn có cho chồng con bữa tối ngon lành" - anh Công dí dỏm nói.
Mở một nhà hàng ở trung tâm TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức mua giảm sút không phải là một quyết định dễ dàng. Tuy nhiên, Nguyễn Thành Công tin rằng thách thức sẽ là động lực để anh và cộng sự tiếp tục sáng tạo. Việc lựa chọn nguồn nguyên liệu như gà không kháng sinh hay sợi mỳ đạt chuẩn quốc tế là minh chứng cho sự nghiêm túc của anh trong việc xây dựng chất lượng sản phẩm. Cách đây 5 năm, anh Công cũng đã từng từng kiên trì tìm mọi cách để có nguồn cacao sạch để làm chocolate đúng chuẩn quốc tế.
“Khách hàng ngày nay có nhiều lựa chọn, nhưng nếu minh làm tốt và có cái tâm trong từng món ăn, tôi tin họ sẽ quay lại” - anh Nguyễn Thành Công nói.
Khánh Huy