Ông Nguyễn Quốc Hùng trên dãy núi Atlas (Morocco).
Vài năm gần đây, quán phở này là thương hiệu được khá nhiều dân sành điệu ẩm thực ưa thích, và còn là nơi gặp gỡ của dân Biên Hòa kỳ cựu, trong đó có nhóm Biên Hòa Quê Tôi. Ông chủ quán vui tính, nhiệt tình được bạn bè thân quen gọi là “Hùng My Phở”. Điều rất ít ai biết, ông chủ quán phở có tuổi đời còn khá xa mới bước vào ngưỡng “tri thiên mệnh” này lại từng bôn ba lặn lội đi làm ăn xa ở một số nước, trong đó có Morocco - xứ lạ tận Bắc Phi lâu đến 10 năm.
Những bất ngờ thú vị
Với máu mê khám phá, vào năm 2004, vừa biết Thủ tướng Phan Văn Khải có quyết định tái lập bang giao với Vương quốc Morocco, doanh nhân Nguyễn Quốc Hùng đang “đánh” hàng Trung Quốc về Việt Nam, liền nảy ra ý tưởng tìm hiểu thị trường còn quá mới lạ này. Vài người bạn đã can ngăn khi cho rằng cái xứ lạc hậu, đói nghèo đến nỗi không có… “Tết Morocco’’ và hình ảnh lính lê dương gốc Morocco đen thui từng tham chiến ở Việt Nam… thì đâu có gì hấp dẫn để sang đó du lịch hoặc làm ăn… Nhưng chàng trai 26 tuổi vẫn quyết tâm lên đường tìm vận hội mới.
Đặt chân đến Bắc Phi, ông Nguyễn Quốc Hùng hết sức ngỡ ngàng. Trước đó, ông đã hình dung về một xứ sở bị bao phủ bởi sa mạc, núi đồi với những đoàn lữ hành cưỡi lạc đà nối đuôi nhau lặng lẽ lê bước giữa mịt mù cát nóng…, nhưng không, trước mắt ông là đường phố khang trang, nhiều công trình tráng lệ, cảnh quan tươi đẹp và khí hậu mát mẻ đến không ngờ.
Suốt hơn nửa tháng rong ruổi gần như khắp đất nước này, ông Hùng mê môi trường sống của vùng đất lạ, kỳ thú này, từ sự thân thiện hiếu khách của người dân bản địa, đến kiến trúc nhà cửa, đường sá, tập tục sinh hoạt, ẩm thực độc đáo và rất đặc sắc.
Với “máu làm ăn”, ông Hùng còn nhận thấy mỗi thành phố ở Morocco đều có bản sắc riêng và đều gìn giữ, phát huy được nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi bật là nghề thuộc da, làm đèn treo, chế biến dầu ô liu, chà là, rượu vang, chuyên canh cam, quýt…, đặc sắc nhất là làm tranh gốm với kỹ thuật độc đáo, ghép thảm gốm sặc sỡ sắc màu từ mặt sau.
Món bò kho nấu theo kiểu Tagine của Morocco bán tại My Phở.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Quốc Hùng cũng biết được nhờ những lợi thế về mặt địa lý và khí hậu mà Morocco từ lâu trở thành địa điểm nghỉ dưỡng và du lịch, tham quan cho người dân châu Âu, đông nhất là người Pháp, vào mùa đông. Trong 12 ngày lang thang khắp Morocco, ông Hùng còn trải nghiệm được nhiều điều lý thú. Hòa mình cùng người bản xứ, ông rất thích ngồi dưới bóng cây chà là xanh tươi hay trong vườn ô liu mát rượi thưởng thức Tajine - một món ăn truyền thống Morocco, chế biến thịt hầm với rau củ quả trong một cái nồi có nắp hình phễu làm dịch chuyển nước để mau mềm thức ăn. Ăn Tajine cừu, uống trà bạc hà đúng điệu… Morocco!
Ông Hùng đến bờ biển vùng Casablanca nơi có quán cà phê được làm giống như trong phim cùng tên rất nổi tiếng, đã thu hút hầu hết khách du lịch Marocco đến check-in. Nhưng điều đặc biệt nhất làm cho doanh nhân này đi đến quyết định phải trở lại Morocco lần nữa để làm ăn là khám phá ở xứ này có cộng đồng người Việt và một thị trường tiêu dùng còn bỏ ngỏ với hàng Việt.
Mở công ty cung cấp hàng Việt chính hiệu
Đến Kenitra - thành phố nhỏ yên bình cách thủ đô Rabat 144km, ông Hùng tình cờ ghé vào một nhà hàng có chủ là người gốc Việt. Ông biết được trong thành phố này có khoảng 100 người Việt. Trong số đó, có thế hệ thứ nhất là vài mươi phụ nữ quê miền núi Yên Bái lấy chồng Morocco vốn là lính lê dương trong đội quân viễn chinh Pháp; được chồng bảo lãnh qua vào năm 1976. Việt kiều thế hệ thứ 2 có một số ít trở thành kỹ sư, bác sĩ, công chức nhà nước, phần lớn mở nhà hàng ăn uống, tạp hóa, trong đó có những nhà hàng Hoa nhưng chủ là người Việt. Ông Hùng cho biết, lương thực chính của vùng này là bánh mì dẹp tròn của dân tộc bản địa Berbère ăn kèm với súp couscous rất ngon.
Điều làm cho ông Hùng quyến luyến vùng đất còn chưa phát triển này là dân địa phương rất hiếu khách. Cựu binh lê dương chỉ còn lại vài người, khi nghe nói ông Hùng là người Việt Nam, đều vồn vã hỏi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ. Có một cụ nói tiếng Việt khá sõi khoe với ông Hùng là mình từng nhìn thấy Bác Hồ và hiện trong nhà còn treo hình “ông lãnh tụ Việt Minh”. Cụ cựu binh có vợ người Việt này còn cho biết, đã từng được Đài Truyền hình quốc gia Morocco phỏng vấn nhân Ngày Quốc khánh Việt Nam.
Tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Casablanca và cả Morocco, doanh nhân Hùng nhận thấy nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như: nước mắm, bánh tráng, bánh phồng tôm, hủ tiếu khô, tương ớt, đồ hộp… không những được người bản xứ mà cả người Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập, Pháp… đến Morocco làm ăn, sinh sống đều rất ưa chuộng. Nhưng tất cả các món hàng này đều “made in Thailand” do một tập đoàn thương mại Israel cung cấp. Bức xúc và cảm thấy tổn thương lòng tự hào dân tộc trước việc hàng đặc sản Việt hoặc mang yếu tố Việt bị thương nhân nước ngoài mạo nhận và lợi dụng khai thác kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Hùng quyết phải giành lại vị thế cho hàng Việt chính gốc để người tiêu dùng ngoại quốc có sự cảm nhận chính xác hơn về hàng hóa của người Việt Nam. Sau khi tìm hiểu về thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu thực phẩm chế biến tại Vương quốc Morocco, ông Hùng trở về nước để huy động vốn và tổ chức nguồn hàng.
Trở lại Morocco, với 100 ngàn dirham (tương đương 300 triệu đồng) và một kế toán người bản xứ thông thạo nghiệp vụ lẫn tài ngoại giao, ông Nguyễn Quốc Hùng thành lập công ty xuất nhập khẩu thực phẩm chế biến một cách dễ dàng, thuận lợi. Văn phòng công ty cũng như nhà ở của Giám đốc Hùng đặt tại thành phố Casablanca. Hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi bằng đường tàu biển cập bến Tây Ban Nha rồi chuyển về Morocco. Chỉ với 5 nhân viên người bản xứ trẻ, khỏe, năng nổ, công ty đã đứng ra cung cấp hàng cho 10 nhà hàng ăn uống, 20 cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên suốt tuyến đường Kenitra - Rabat - Temara - Casablanca - Meknes.
Sau mấy chuyến đầu chở hàng đi giao bởi lái xe, Giám đốc Hùng làm luôn tài xế. Từ đó, ông Hùng lái chiếc van Renaul Kangoo ngược xuôi khắp Morocco hàng chục năm trời. Hàng Việt Nam thứ thiệt, chất lượng cao, giao đúng hạn, không những được các siêu thị, cửa hàng tín nhiệm, mà ông Hùng còn đem tham gia các hội chợ, tạo sự chú ý cho người tiêu dùng bản địa và du khách quốc tế.
Năm 2014, công ty gặp khó khăn do nguồn hàng trong nước liên tục tăng giá và nghe tin mẹ trở bệnh nặng, ông Nguyễn Quốc Hùng trở về Việt Nam. Giải quyết nhiều việc riêng tư, lập gia đình, trong lòng vẫn vương vấn những lần… “ăn Tết Morocco” (thực ra là Lễ trọng Eid al Adha, được gọi là Lễ Tế sinh của Hồi giáo) với món Tajine cừu hầm mơ khô, quế, mật ong…; nhưng ràng buộc gia đình đã níu chân chàng doanh nhân lãng tử ở lại Việt Nam. Và năm 2019, ông Hùng đã chọn thành phố yên bình bên bờ sông Đồng Nai 4 mùa ăm ắp nước để mở Biên Hòa My Phở...
Bùi Thuận