Ông Trần Duy Tịnh bên trong một căn nhà rường cổ do chính ông phục dựng
Duyên với nhà rường
Ông Trần Duy Tịnh xuất thân từ một người sưu tầm, trao đổi, buôn bán đồ xưa, cổ vật từ những năm 1990. Trong quá trình sưu tầm đồ xưa, ông nhận thấy ở Huế có rất nhiều ngôi nhà rường bị hư hỏng, mối mọt, xuống cấp. Phần lớn chủ nhân không đủ nguồn lực kinh tế để sửa chữa, trùng tu nên nguy cơ hư hỏng nặng nề ngày một hiện hữu. Thế là, ông nghĩ ngay đến việc thu mua những ngôi nhà này về trùng tu theo kiểu “mua của người chán, bán cho người cần”.
Vốn là người chơi đồ xưa, ông Tịnh tự mình tìm hiểu về kiến thức nhà rường cổ Huế, về kiến trúc, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân lâu năm từ nhiều vùng khác nhau. Đồng thời, huy động đội thợ lành nghề và mở một xưởng phục chế và dựng nhà rường ở đường Tôn Thất Thiệp, ngay trong Nội thành Huế. Từ năm 1995, ông Tịnh chuyển qua việc thu mua nhà rường về phục chế và bán lại cho người có nhu cầu.
Theo kinh nghiệm của ông Tịnh, từ xa xưa, các cung điện, các dinh, phủ vương công, cho đến nhà cửa của thị dân khá giả đều thuộc dạng nhà rường. Ở quanh trung tâm TP. Huế có nhiều vùng còn những ngôi nhà rường cổ phong cách Huế, như: Bao Vinh, Hương Vinh, Kim Long, Phú Mậu… và cả ở các huyện như Phú Lộc, Phong Điền vẫn còn nhiều. Ông Tịnh chia sẻ, lúc đó việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có.
Ngôi nhà rường được ông Trần Duy Tịnh phục dựng ở Huế và đưa qua lắp ráp tại chùa Vạn Hạnh - Pháp
Bằng tài năng và sự tâm huyết, những ngôi nhà rường đầu tiên đã được ông phục dựng thành công và đến với khách hàng. Tiếng lành đồn xa, ông không những phục dựng nhà rường và dựng ở nội tỉnh, mà nhiều khách hàng tận ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Nha Trang… cũng tìm đến ông để mong muốn có một ngôi nhà rường cổ mang thương hiệu Huế.
Theo ông Tịnh, mặc dù phục dựng gần trăm ngôi nhà rường, trong đó có quần thể khu du lịch Huyền Trân Công Chúa, nhà hàng cơm chay Bồ Đề, một số chùa ở Huế, khu du lịch sinh thái nhà rường Huế ở đảo Rùa (Nha Trang)…, nhưng công trình mà ông tâm đắc nhất vẫn là nhà rường số 2 Đoàn Thị Điểm, Q. Phú Xuân (Khách sạn Thành Nội cũ), nơi đây vừa được chọn phục dựng làm không gian Đại Nam Thái Y Đường. Căn nhà rường 3 gian, 2 chái này và hệ thống trường lang được ông cùng gần 20 thợ làm trong vòng 6 năm. Đây cũng là căn nhà rường cổ Huế còn giữ nguyên vẹn các kỹ thuật đỉnh cao của kiến trúc, nghệ thuật, kỹ thuật chạm trổ, khảm… Đây cũng là hình mẫu tiêu biểu nhất cho những người có nhu cầu tìm hiểu về nhà rường cổ Huế đến sao chép, phục dựng nhà rường.
Theo ông Tịnh, gỗ dùng để dựng nhà được chọn lựa rất kỹ, và các loại gỗ thường dùng như: Kiền, gõ và mít. Đặc biệt gỗ mít qua hấp sấy có thể để hàng trăm năm mà không bị mối mọt, đây cũng là “bí mật” mà nhiều nghệ nhân chưa lý giải được. Phần chính một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái ở Huế trung bình có 42 cột, một lượng lớn kèo, xà... Để hoàn thành một ngôi nhà rường phải mất khá nhiều thời gian, theo kinh nghiệm của ông thì khoảng 8 - 10 thợ lành nghề cũng cần đến 2 năm mới hoàn thành được những phần cơ bản của một ngôi nhà rường tầm trung.
Ông bảo, nguyên tắc bất di bất dịch khi phục dựng nhà rường là phải giữ được hồn cốt của ngôi nhà rường cổ, trong đó có những khâu cần phải kỳ công và tay nghề cao của người thợ về nghệ thuật tạo hình bằng chạm khắc, khảm trên các đầu kèo, xà, đòn tay, rầm thượng, thanh vọng, bức liền ba và các vách ngăn phải được chạm trổ tinh xảo. Muốn hoàn thành một ngôi nhà rường có “thương hiệu” thì người thợ buộc phải tâm huyết, tuyệt đối không được dùng “tiểu xảo” trộn các loại gỗ tạp để ăn chênh lệch giá. Bởi vậy, nhà của ông phục dựng bao giờ giá cũng cao hơn người khác.
Đưa nhà rường Huế sang Pháp
Cơ duyên đã đến với ông khi năm 2015 có một thương gia làm rượu vang nho ở vùng Bordeaux (nước Pháp) trong một lần du lịch Huế đã mê mẩn những ngôi nhà rường cổ mang phong cách cung đình Huế. Người này đặt vấn đề mua một ngôi nhà rường để đưa sang pháp dựng ngay trong khu vườn trồng nho của mình. Ban đầu ông cũng ngờ ngợ, do chưa biết các thủ tục nhập khẩu và đưa nhân công qua Pháp như thế nào. Nhưng sau khi vị doanh nhân này nói chỉ cần ông hoàn thành nhà, mọi thứ còn lại từ vận chuyển đến dựng nhà tại Pháp ông có thể tự lo được, ông mới mừng rỡ nhận lời.
“Được lời như cởi tấm lòng”, thế là ông Tịnh cùng với đội thợ của mình bắt tay vào làm một căn nhà rường 3 gian, 2 chái đúng tiêu chuẩn, kích cỡ. Ông bảo, vì lần đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người” nên các công đoạn làm nhà của ông cũng được cẩn trọng, tỉ mỉ hơn, gỗ cũng được chọn phần lớn là gỗ mít già ở Huế được hấp sấy cẩn thận. Các công đoạn chạm trổ tinh xảo, nhất là các bộ phận rầm thượng, bức liền 3, thanh vọng… phải rất kỳ công. Sau khi cẩn thận đánh số và quay lại clip, chiếc nhà rường đã được vận chuyển bằng tàu biển sang Pháp. Việc dựng thành công ngôi nhà rường đầu tiên không những thỏa ước mơ của thương gia người Pháp, mà là mốc son lịch sử đánh dấu ngôi nhà rường đầu tiên của ông Tịnh xuất sang Pháp.
Mới đây, thông qua một vị hòa thượng ở Huế thường xuyên đi công tác ở Pháp, một ngôi chùa do cộng đồng người Pháp gốc Việt có tên Vạn Hạnh ở Nantes (miền Tây nước Pháp) đặt vấn đề với ông Tịnh mong muốn có được một ngôi nhà rường Huế. Thế là ông huy động 10 thợ lành nghề, dành tất cả tâm huyết chăm chút cho “đứa con tinh thần” này với mong muốn ngày càng có nhiều ngôi nhà rường vươn ra thế giới. Sau khi ngôi nhà rường hoàn thành, ngoài các thủ tục vận chuyển bằng tàu biển, ông Tịnh cử 3 thợ giỏi nhất của mình sang chùa Vạn Hạnh ở Pháp dựng ngôi nhà trong vòng 3 tháng. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu thu hút nhiều du khách ghé thăm và sự quan tâm của nhiều người.
Ông Trần Duy Tịnh là một trong số ít người sưu tầm, phục dựng và làm cho nhà rường Huế sống mãi, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ những người như ông Tịnh, Huế mới gìn giữ được một nét văn hóa kiến trúc nhà ở độc đáo. Nếu không, có lẽ không ít ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi xuống cấp đã bị lãng quên và có thể sẽ không còn.
Thái Bình