Hoạt động nâng cao ý thức phòng, chống HIV/AIDS tại bãi biển Puri, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo tờ The Guardian ngày 4/7, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), cho biết nếu nguồn viện trợ không được khôi phục, thế giới có thể chứng kiến thêm 6 triệu ca nhiễm HIV mới và 4 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS vào năm 2029.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tài trợ Phát triển Quốc tế của Liên hợp quốc tổ chức ở Seville (Tây Ban Nha) tuần này, bà Byanyima nhấn mạnh: “Đây là một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Đại dịch HIV/AIDS vẫn là vấn đề toàn cầu, không biên giới”.
Nguồn viện trợ vừa bị dừng phần lớn đến từ kế hoạch khẩn cấp Pepfar - sáng kiến được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khởi xướng từ năm 2003, hỗ trợ điều trị, phòng ngừa và chăm sóc cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Pepfar từng chiếm tới 60% ngân sách hoạt động của UNAIDS.
Bà Byanyima thừa nhận, đã có lúc bà cân nhắc từ chức khi chứng kiến những hệ lụy từ các đợt cắt giảm viện trợ, nhưng bà quyết định ở lại để tiếp tục tìm giải pháp duy trì hệ thống hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất. “Đây không chỉ là câu chuyện ngân sách, mà là mạng sống của hàng triệu con người”, bà nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu UNAIDS, các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và nghiên cứu đều đang bị ảnh hưởng nặng nề vì nguồn lực hạn chế, nhất là khi một số quốc gia phát triển cũng cắt giảm cam kết viện trợ, đẩy UNAIDS vào tình thế phải hoạt động với ngân sách giảm gần một nửa so với trước đây.
Bà Byanyima cho rằng, cuộc khủng hoảng lần này cho thấy rõ những bất công trong hệ thống tài chính toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển từ mô hình viện trợ ngắn hạn sang các giải pháp bền vững hơn, dựa trên công bằng tài chính và đoàn kết quốc tế. “Sức khỏe là quyền con người. Không ai đáng phải chết vì HIV/AIDS khi chúng ta có phương pháp điều trị hiệu quả”, bà nói.
Lãnh đạo UNAIDS cũng bày tỏ lo ngại, nếu không có nguồn tài chính thay thế kịp thời, các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như thanh thiếu niên, phụ nữ trẻ và các nhóm thiểu số sẽ phải đối mặt với rủi ro cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề kỳ thị vẫn còn tồn tại.
Bà Byanyima nhấn mạnh: “Rất nhiều quốc gia châu Phi đang nỗ lực bù đắp phần ngân sách bị thiếu hụt, nhưng không thể một mình gánh vác mọi thứ. Trong khi đó, lượng tài chính từ các nước đang phát triển chảy sang các nền kinh tế lớn đã vượt xa dòng tiền viện trợ trong nhiều năm”.
Bà kêu gọi các quốc gia hướng tới một mô hình công bằng hơn: "Mô hình viện trợ hiện nay không thể duy trì lâu dài nếu thiếu công bằng tài chính và những cam kết xử lý nợ một cách hợp lý. Chúng ta cần một hệ thống bền vững để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau".
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc