Người dựng lại 'bầu trời tuổi thơ' Hà Nội

Người dựng lại 'bầu trời tuổi thơ' Hà Nội
2 tháng trướcBài gốc
“Tôi đã bé lại để thiết kế công trình cho bọn trẻ”
Nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn bơi, nhà học và thư viện, tháp thiên văn cao 68m bên khối hành chính - văn phòng. Đó là những con số ấn tượng của công trình Cung thiếu nhi Hà Nội vừa được khánh thành. Điều đáng nói không chỉ ở quy mô đồ sộ, mà tất cả những không gian đó được ghép nối với nhau một cách đầy nghệ thuật trên khu đất gần 40.000m2 tại công viên hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm.
Kiến trúc sư Doãn Minh Khôi trao đổi với các cộng sự về dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội thời điểm năm 2012.
Cảm giác choáng ngợp, đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác là ấn tượng chung của rất nhiều người khi đến tham quan Cung. Chủ nhiệm thiết kế - KTS Doãn Minh Khôi với mái tóc trắng bồng bềnh, ánh mắt nheo vui đúc kết: “Vào đúng năm tôi 70 tuổi, đúng dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, tôi đã thực hiện được một điều vô cùng ý nghĩa. Đó là cùng các cộng sự tạo tác nên một công trình đặc biệt cho trẻ em thủ đô”. Đây là khu phức hợp hiện đại để các cháu có thể vui chơi, học tập, giải trí và rèn luyện thể dục thể thao. Sau những tháng ngày tâm huyết, bao dự định, ấp ủ của ông đã trở thành hiện thực.
Ông nhớ lại thời điểm đầu tiên: “Cách đây hơn chục năm, chúng tôi tham gia cuộc thi tuyển thiết kế Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Cầu Giấy và đoạt giải. Nhưng sau đó, dự án Nhà văn hóa thiếu nhi cấp quận được nâng cấp thành Cung Thiếu nhi mới của thành phố Hà Nội. Từ đó, nhiệm vụ thiết kế, quy mô xây dựng cũng được thay đổi theo”.
Ít ai biết được rằng, vị trí xây dựng công trình cũng thay đổi so với dự kiến ban đầu. KTS Khôi chia sẻ: “Công trình dự kiến đặt ở lô đất D30 trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sang thăm Việt Nam, chính phủ hai nước đã thỏa thuận rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ được xây dựng ở lô đất đó. Vì vậy, dự án Cung Thiếu nhi sẽ được xây dựng ở vị trí mới. Có 2 phương án về vị trí được đưa ra. Một là xây dựng tại Hà Đông với diện tích khá rộng khoảng 5ha nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật, hai là ở huyện Đông Anh với diện tích 2,85ha gần công viên Kim Quy.
Tuy nhiên, Thành Đoàn Hà Nội có ý kiến là cần đưa công trình về gần trung tâm hơn. Chính vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị đưa công trình Cung Thiếu nhi chuyển về khu vực hồ điều hòa trên đường Phạm Hùng. Cuối cùng lô đất D24 được chọn để xây dựng Cung Thiếu nhi. Thật may mắn là ô đất này rộng và đẹp hơn tất cả các phương án lựa chọn trước đây, và phương án kiến trúc của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với lô đất mới”.
Để thiết kế một không gian đẹp và phù hợp cho con trẻ, kiến trúc sư phải “đóng vai” trẻ thơ để tưởng tượng, vẽ nên ước muốn về không gian vừa học vừa chơi. Làm thế nào để GS. Khôi có thể nhập vai “mượt” đến thế? Ông bảo: “Muốn nhập vai được thì trước hết phải hiểu trẻ. Hãy trò chuyện cùng bọn trẻ, quan sát bọn trẻ chơi, nghe chúng nói chuyện, thấy thú vị vô cùng trước cách nhìn nhận và lý giải thế giới của chúng. Những tác phẩm như “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry, “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài… sở dĩ được trẻ em nhiều thời say mê đọc là bởi các tác giả đã thực sự “bé lại” để viết. Chính những tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho tôi “bé lại” khi thiết kế công trình”.
Nhóm thiết kế của GS Khôi đã tạo một thế giới của các hoạt động vui chơi, học tập rất ngộ nghĩnh, gần gũi với thiên nhiên. Giải pháp tổ hợp công trình hướng tới những khối hình mềm mại, lập thể, hòa quyện với cây xanh, mặt nước. Các khối nhà xích lại gần nhau nhờ những tuyến hành lang bao quanh. Trẻ con ít khi đi thẳng, mà thích chạy vòng quanh, ẩn nấp. Bằng những tuyến cong, diện cong, khối cong đóng – mở liên hoàn, nhóm thiết kế đã cố gắng sắp xếp các hình khối – không gian ẩn hiện, tựa như trò chơi trốn tìm thú vị cuốn hút các em.
“Những ai đã có một thời gắn bó với Nhà Văn hóa thiếu nhi Hà Nội ở phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, hẳn sẽ nhận ra nét kiến trúc quen thuộc ở công trình Cung thiếu nhi mới. Đó là hệ tấm lưới đục rỗng trên mặt đứng có nhiệm vụ giảm bớt bức xạ trực tiếp của mặt trời. Qua đó, tôi muốn bày tỏ sự kính trọng đối với bậc đàn anh – KTS. Lê Văn Lân, người đã thiết kế công trình này nửa thế kỷ trước”, KTS Doãn Minh Khôi bày tỏ.
Hoàn thành năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất, Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội ở phố Lý Thái Tổ được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu của thủ đô nửa sau thế kỷ XX. Ở thời điểm đó, người ta luôn nghĩ một công trình kiến trúc nghiêm chỉnh phải có tường bao quanh từ mặt đất, có các ô cửa phù hợp, mặt bằng tầng đồng nhất, nóc mái kín đáo chỉn chu và trang trí gờ chỉ ấn tượng. Chỉ đến khi Nhà văn hóa Thiếu nhi ra đời, KTS Lê Văn Lân đã gây sốc đối với giới kiến trúc thời ấy bởi ngôn ngữ tạo hình hoàn toàn mới ở miền Bắc, tạo ấn tượng thị giác bất ngờ. Nhắc đến KTS Lê Văn Lân, bên cạnh những công trình thiết kế quy hoạch nổi tiếng như công viên Thủ Lệ, các khu tập thể Văn Chương, Nghĩa Đô,... không thể không nhắc tới dấu ấn Cung thiếu nhi Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Thuốc Bắc, KTS Doãn Minh Khôi rất thích công trình này. Ông thường ra ngắm nghía, tìm hiểu, đưa các con đến các lớp học bộ môn. Đối với các con ông, Nhà văn hóa thiếu nhi là bầu trời kỷ niệm. Cả hai Cung văn hóa thiếu nhi đều là những công trình lớn, là tác phẩm “đinh” trong sự nghiệp của những kiến trúc sư tài hoa như Lê Văn Lân, Doãn Minh Khôi.
Phong cách thiết kế không trộn lẫn
Với dấu ấn của những công trình kiến trúc mà GS Khôi chủ trì thiết kế như Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ – Hóa sinh biển, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Thư viện Quân đội ở phố Lý Nam Đế… và gần đây là Cung Thiếu nhi Hà Nội, ông đã định hình một phong cách thiết kế không trộn lẫn.
Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình hiện đại và có tính thẩm mỹ cao.
Ở tuổi thất thập, ông vẫn giữ được sức sáng tạo và nhịp làm việc đều đặn. Cho đến tận bây giờ GS. Khôi vẫn chưa có một ngày nghỉ hưu. Với công việc chính là giảng dạy kiến trúc, ông được biết tới là một nhà sư phạm năng động, luôn hăng hái thử nghiệm những phương pháp, mô hình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển vào Việt Nam. Song song với quá trình giảng dạy là những tháng ngày nghiên cứu say mê, là hoạt động thiết kế nhiều thú vị. Ba lĩnh vực đó không tách bạch, mà luôn đan cài, gắn bó.
Năm 1978, Doãn Minh Khôi tốt nghiệp kiến trúc sư tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1994, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Trường Đại học Kiến trúc Moskva. Ông cũng có thời gian thực tập, nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học ở Pháp, Nhật và Canada, có điều kiện tiếp xúc với kiến trúc đương đại. Ông chia sẻ về ấn tượng mạnh mẽ khi ông đến thăm Bảo tàng Bilbao của nhà thiết kế lừng danh Frank Gehry ở Tây Ban Nha: “Ở nhà tôi đã đọc sách và biết tới công trình nổi tiếng này. Nhưng khi đến nơi thì thực sự choáng ngợp, ấn tượng về thủ pháp giải tỏa kết cấu đầy phóng khoáng. Đặc biệt, sự biến đổi hình thái của lớp vỏ kiến trúc làm bằng vật liệu titan khiến tòa nhà có sự hấp dẫn mạnh mẽ. Nhìn xa, bảo tàng như một con tàu cập bến. Gần hơn lại giống như một bông hoa bằng kim loại nổi trên mặt nước. Nó xóa tan sự buồn tẻ của một vùng cảng biển, đã hút rất đông khách tham quan ngay khi hoàn thành công trình”.
Sau thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, ông về nước và giảng dạy tại Trường Đại học Xây dựng. Năm 2004, ông được phong chức danh Phó giáo sư và năm 2018 là chức danh Giáo sư ngành kiến trúc. Suốt một thời gian dài ông là giảng viên cao cấp, là Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị. Ông quan niệm rằng, kiến trúc là sự cộng hưởng của nghệ thuật và kỹ thuật. Điều quan trọng nhất đối với kiến trúc là công năng sử dụng. Một công trình bên ngoài lộng lẫy bao nhiêu nhưng bên trong không hữu dụng thì cũng trở nên vô nghĩa. Do đó, kiến trúc sư phải vừa là họa sĩ, người tổ chức công năng và tính toán kĩ thuật.
Người thiết kế cần tạo ra công trình thiết kế hàm chứa nhiều cảm xúc, lồng ghép tinh thần thời đại và kết nối với không gian bao quanh. Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội vừa hoàn thành đã tạo ra một trục cảnh quan, một không gian mở từ Tây sang Đông. Hình thái của các tòa nhà đã kết hợp hài hòa với các kiến trúc cảnh quan bao quanh, trong đó co tòa nhà Vietel và không gian mặt nước hồ điều hòa tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh và đẹp mắt.
“Khi mà xung quanh toàn các tòa nhà cao tầng, thì Cung thiếu nhi có vị trí thấp lại tạo thành điểm nhấn. Sự nổi bật ấy chỉ có thể nhìn từ trên cao xuống, chứ không phải nhìn từ dưới lên. Điều này rất đúng với tinh thần phương Đông - thường chú ý đến điểm lõm trong khi phương Tây hướng tới những điểm lồi”, GS. Khôi say sưa bắt vào “mạch” kiến trúc bất tận tưởng như không bao giờ dứt.
Huyền Châm
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-dung-lai-bau-troi-tuoi-tho-ha-noi-i749358/